Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

NỘI HÀM CƠ BẢN CỦA CHIẾN LƯỢC QUỐC PHÒNG VIỆT NAM

Trên cơ sở đường lối bảo vệ Tổ quốc đã được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) cùng những đánh giá về bối cảnh chiến lược trong nước, khu vực và quốc tế, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam đã đưa ra các dự báo, tình huống chiến lược và các thách thức quốc phòng của đất nước trong tình hình hiện nay. Đồng thời, cụ thể hóa những nội dung cốt lõi của chiến lược bảo vệ Tổ quốc vào lĩnh vực quốc phòng, phù hợp với đặc điểm, tính chất và yêu cầu, nhiệm vụ của quốc phòng Việt Nam thời kỳ mới.
Về quan điểm, Chiến lược tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa luận điểm giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng; phát huy nội lực là chính; kết hợp chặt chẽ giữa các mặt, yếu tố, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc. Kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân gắn với đẩy mạnh chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thêm bạn, bớt thù, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Chủ động ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; kiên quyết đánh bại mọi hành động xâm lược bằng sức mạnh tổng hợp, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt,… không để đất nước bị bất ngờ về chiến lược.
Về phương châm, thực hiện "dĩ bất biến, ứng vạn biến", lấy lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến; đồng thời, khẳng định phương thức đấu tranh trong lĩnh vực quốc phòng là “kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế” làm cơ bản, song phải kiên định mục tiêu chiến lược. Kết hợp chặt chẽ đấu tranh phi vũ trang và vũ trang, nhấn mạnh đấu tranh phi vũ trang, nhưng tích cực chuẩn bị sức mạnh quốc phòng của đất nước, sẵn sàng đánh thắng các hành động xâm lược dưới mọi quy mô, hình thức.
Về nhiệm vụ và giải pháp, Chiến lược Quốc phòng cụ thể hóa đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và đấu tranh quốc phòng. Nhấn mạnh xây dựng Đảng, Nhà nước, “thế trận lòng dân” gắn với phát triển đất nước giàu mạnh kết hợp với tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh. Đồng thời, khẳng định tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, khoa học nghệ thuật quân sự; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng trong tình hình mới, v.v. Đây là những nội dung căn cốt nhất của Chiến lược Quốc phòng, đòi hỏi sự nghiên cứu, quán triệt sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, làm cơ sở trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, trong bối cảnh chung của tình hình thế giới, khu vực luôn biến động, thay đổi nhanh chóng, khó lường, tác động không nhỏ đến cách mạng nước ta, việc quán triệt, thực hiện Chiến lược phải luôn thấu suốt quan điểm: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến", giữ vững mục tiêu chiến lược: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong suốt tiến trình cách mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét