Quyền con người
(QCN) là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là tài sản chung của
các dân tộc. Ngày nay, QCN được xem như là một thước đo của sự tiến bộ và trình
độ văn minh của các xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển
và bản sắc văn hóa. Về phương diện lịch sử, chế định QCN ra đời từ các cuộc
cách mạng dân chủ tư sản, xóa bỏ chế độ phong kiến. Ngày nay, khi nói về lịch sử
chế định QCN, người ta thường nhắc tới “Luật về các quyền của Anh” năm 1689,
“Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 và Hiến pháp bổ sung năm 1787 của Mỹ, "Tuyên ngôn
nhân quyền và dân quyền" năm 1789 của Pháp. Sau khi Liên hợp quốc thành lập
(1945), đó là văn kiện toàn cầu-bản "Tuyên ngôn thế giới về quyền con người" được
cộng đồng quốc tế thông qua ngày 10-12-1948.
Ở Việt Nam,
QCN, quyền công dân là thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và khi
ra đời Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam.
Theo quan niệm
chung của cộng đồng quốc tế, QCN với tư cách là luật tự nhiên, là một giá trị đạo
đức, đó là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Những giá trị này
bao gồm: Sự tôn trọng nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan
dung và trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng, nhà nước. Với tư cách là luật
thực chứng, QCN là những quy định của hiến pháp và pháp luật ở mỗi quốc gia nhằm
bảo vệ nhân phẩm, các nhu cầu về vật chất, tinh thần của tất cả mọi người và
nghĩa vụ của mỗi người đối với xã hội và nhà nước.
Nhằm ngăn chặn
sự lợi dụng tính phổ quát của QCN can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc
gia, Hội nghị Nhân quyền thế giới năm 1993 ở Viên (Áo) đã thống nhất quan điểm
QCN như sau: QCN vừa có tính phổ biến (phổ quát) hoặc còn gọi là tính toàn cầu,
đồng thời, QCN vừa có tính đặc thù, tức là những đặc trưng do truyền thống lịch
sử, phong tục tập quán và văn hóa ở các khu vực hoặc ở mỗi quốc gia quy định.
Cũng như mối
quan hệ giữa cái chung và cái riêng, tính phổ biến của QCN chỉ được thể hiện
thông qua tính đặc thù, tính đơn nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia. Điều
này thể hiện tập trung trong các quy định về "hạn chế quyền" trong những bộ luật
nhất định. Những hạn chế này nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia; trật tự công cộng;
sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc các quyền và tự do của người khác".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét