Sau nhiều thập
niên thực hiện chính sách thù địch, chống phá không đạt hiệu quả, các thế lực
thù địch đang thay đổi phương thức hoạt động. Mục tiêu nhất quán không thay đổi
của chúng là chống phá tận gốc về tư tưởng chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam, “phi chính trị hóa”, vô hiệu hóa quân đội và lực lượng
công an, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Khi chúng ta
kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và 170 năm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng
sản” - tác phẩm kiệt xuất của C. Mác và Ph. Ăngghen, các nhà tư tưởng chống
cộng, chống chủ nghĩa xã hội đã tập trung phê phán, đả kích tới tấp vào chủ
nghĩa Mác hòng làm lung lay nền tảng tư tưởng của chúng ta. Họ cho rằng “Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản” chỉ là ý tưởng hão huyền, ngông cuồng và cho đến
nay càng thấy lạc lõng vì chủ nghĩa tư bản không chỉ tồn tại mà còn bền vững
hơn; rằng giai cấp công nhân và những ông chủ tư sản hiện nay đã hòa hợp, trở
thành tiền đề cho nhau cùng phát triển; rằng Cách mạng Tháng Mười Nga là “dích
dắc” của lịch sử, là cuộc bạo động phản dân chủ, đã hết tác dụng. Các thế lực
thù địch tung ra đủ thứ luận điệu nhằm bác bỏ chủ nghĩa cộng sản, như: du nhập
chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử, chỉ đưa đến tai họa
vì chủ nghĩa Mác - Lênin là tư tưởng ngoại lai, xa lạ với truyền thống dân tộc.
Họ còn cho rằng lý luận Mác - Lênin chỉ giải quyết vấn đề đấu tranh giai cấp,
còn tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ giải quyết đấu tranh dân tộc thuần túy, không thể
áp đặt mẫu học thuyết Mác - Lênin vào Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế
thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Gần đây họ
chuyển sang luận điệu “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế mà còn về tinh
thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa, ngay cả Bộ Chính trị”; đồng thời
xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, đưa ra các luận điệu rằng, “đấu tranh giai cấp”,
“tập trung dân chủ” là cổ vũ cho bạo lực, cho chiến tranh, cho độc quyền, độc
đoán, thủ tiêu dân chủ, không phù hợp với xu thế thời đại, do đó không thể thúc
đẩy xã hội phát triển.
Họ phủ định
tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin với học
thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm; rằng
Hồ Chí Minh chỉ là người dân tộc chủ nghĩa, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt
Nam là một sai lầm lịch sử... Họ xuyên tạc, phủ định các nguyên lý cơ bản của
chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội chỉ
là một lý thuyết về chủ nghĩa xã hội không tưởng, không bao giờ thực hiện được,
sự sụp đổ mô hình của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu, Liên Xô là một tất yếu đã được
dự báo trước; rằng chủ nghĩa xã hội đặt xã hội lên trên cá nhân chỉ là đề cao một
số người đang nắm quyền trong xã hội đó.
Tấn công vào
đường lối của Đảng, các thế lực thù địch cho rằng không thể làm trái quy luật bỏ
qua chế độ tư bản mà là phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng,
giải quyết các vấn đề xã hội phải làm theo chủ nghĩa xã hội dân chủ. Họ rêu rao
rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường sai, không thể có chủ nghĩa xã hội.
Không ít kẻ đã lớn tiếng rằng chủ nghĩa xã hội chính là bước quá độ từ nghèo
nàn, lạc hậu tiến tới chủ nghĩa tư bản, những ước mơ của chủ nghĩa xã hội thì
chính chủ nghĩa tư bản đã thực hiện rồi, rằng người ta có thể dễ dàng tìm thấy ở
chủ nghĩa tư bản những lời giải đáp đầy đủ cho mọi vấn đề được đặt ra trong đời
sống loài người.
Các thế lực
chống cộng tập trung công kích vào các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đặc
biệt là vào nguyên tắc tập trung dân chủ. Bằng việc vu cáo Đảng Cộng sản chiếm
quyền của nhân dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền, “độc đoán, đảng trị”, thực hiện
sự chuyên chính của một đảng, sự thống trị quan liêu của giới thượng lưu, chúng
đối lập Đảng với Nhà nước, đối lập Đảng, Nhà nước với nhân dân. Dựa vào một số
“cải cách” ở các nước tư bản và nhất là dựa vào các mô hình xã hội - dân chủ Thụy
Điển, Phần Lan, họ cho rằng từ chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa xã hội không
nhất thiết phải thông qua cách mạng xã hội mà cứ để cho nó phát triển tự nhiên,
thông qua việc mở rộng dân chủ, đấu tranh nghị trường để nhân dân tự lựa chọn
chế độ chính trị mới.
Về sứ mệnh lịch
sử của giai cấp công nhân, họ cho rằng, giai cấp công nhân chỉ là những người
có học vấn thấp, những lãnh tụ của giai cấp công nhân cũng thường có trình độ
văn hóa không cao, “lại được đào luyện trong một logíc chuyên chế bạo ngược”,
cho nên giỏi lắm cũng chỉ có thể lật đổ chế độ cũ, chứ không thể lãnh đạo toàn
dân xây dựng được một xã hội mới tốt đẹp, nhất là trong thời đại khoa học phát
triển. Họ lập luận: “... nếu như giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là “Người
đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” xây dựng một xã hội mới thì tại sao ở những nước
tư bản phát triển có lực lượng công nhân rất đông, chất lượng cao lại không thực
hiện vai trò lịch sử của mình? Đảng Cộng sản Việt Nam không thể gọi là Đảng của
giai cấp công nhân được, vì nó có rất ít tính công nhân mà mang đậm tính nông
dân, chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa phong kiến. Với những điều kiện như
trên, giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam không thể lãnh đạo, xây dựng
được chủ nghĩa xã hội đích thực ở Việt Nam...”...
Họ phủ nhận mục
tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, phê phán triệt để,
bôi đen chủ nghĩa xã hội hiện thực, công khai ca ngợi con đường tư bản chủ
nghĩa. Cho rằng “đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa là chắp vá, không tưởng. Việt Nam hiện nay đang đứng ở ngã ba đường,
không biết đi theo con đường nào. Nếu không hòa nhập vào thời đại, đi theo con
đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ bị trả giá, tự giác thì đến đích nhanh hơn, không
tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích đau đớn hơn,
chậm chạp hơn”. Gần đây có luận điệu xảo quyệt, thâm độc hơn như “con đường mà
Việt Nam muốn đi là thứ tư bản chủ nghĩa theo định hướng xã hội chủ nghĩa,
nhưng con đường này không thể thành công vì không thể nào giải quyết thỏa hiệp
giữa hai chủ nghĩa đối lập với nhau”.
Nhằm phủ nhận
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và bôi nhọ lãnh đạo, họ cho rằng “Đảng
đã hoàn thành nhiệm vụ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và hiện
nay phải để lực lượng khác lãnh đạo đất nước thì đất nước mới phát triển được,
cứ để Đảng lãnh đạo thì đất nước còn lạc hậu”.
Mục tiêu của
các thế lực thù địch là tập trung hướng vào nội bộ ta, tìm mọi hình thức, tinh
vi hoặc trắng trợn, công khai hoặc bí mật, ráo riết làm cho nội bộ không ổn định,
luôn luôn gieo rắc ngờ vực, nghi kỵ, giảm sút lòng tin hòng gây chia rẽ, lục đục
nội bộ. Các chiến dịch tung tin thường tập trung vào các kỳ đại hội Đảng, kỳ bầu
cử Quốc hội nhằm mục đích kích động, chia rẽ nội bộ. Xuất hiện nhiều luận điệu
hết sức thâm độc, nguy hiểm như “Phe thân Mỹ sẽ thắng và phe thân Trung Quốc sẽ
thua”. Hiện nay công tác chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước ta thực hiện
một cách kiên quyết, công khai, minh bạch, được nhân dân hết sức đồng tình và
tin tưởng, nhưng các thế lực thù địch lại xuyên tạc, bóp méo, cho đó là cuộc đấu
tranh thanh trừ nội bộ giữa các phe phái và các nhóm lợi ích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét