Một là, lợi dụng niềm tin tôn giáo để hướng tín đồ vào các hoạt động chống đối
cách mạng. Chúng dương các chiêu bài “tự do tôn giáo”, “vì lợi ích của giáo hội”,
“bảo vệ đạo pháp”, “bảo vệ chức sắc” để lôi kéo tín đồ tham gia trực tiếp vào
các hoạt động chống đối cách mạng như biểu tình, gây rối, tham gia bạo động
chính trị. Đồng thời, biến họ thành những tấm lá chắn để bảo vệ chúng trước sự
đấu tranh xử lý của cơ quan chức thực thi pháp luật. Mặt khác, chúng tăng cường
sinh hoạt tôn giáo, củng cố đức tin, nắm quần chúng tín đồ, tách họ ra khỏi ảnh
hưởng của Đảng, chính quyền địa phương và dần dần làm cho họ trở thành lực
lượng chính trị đối lập.
Hai là, lợi dụng tổ chức giáo hội, biến nó trở thành công cụ thực hiện âm mưu và
hoạt động chống đối cách mạng. Với các tổ chức giáo hội hợp pháp thì chúng tìm
cách thao túng, lũng đoạn, thâu tóm quyền lực và hướng lái nó đi chệch đường
lối tiến bộ đã được xác định. Đồng thời, dưới danh nghĩa giáo hội để đấu tranh
đòi yêu sách và xúc tiến những hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Mặt khác, chúng
tìm cách phục hồi tổ chức giáo hội cũ, thành lập tổ chức giáo hội mới đối lập
để thực hiện mưu đồ lợi dụng tôn giáo phá hoại cách mạng. Thậm chí chúng cấu
kết với nhau để hình thành các tổ chức “liên tôn” nhằm có thể lôi kéo đông đảo
chức sắc, quần chúng tín đồ ở nhiều tôn giáo khác nhau vào hoạt động chống đối.
Ba là, lợi dụng quan hệ tôn giáo để móc nối với các thế lực thù địch ở nước
ngoài. Sử dụng các mối quan hệ của các tổ chức tôn giáo để tìm kiếm sự viện trợ
về kinh tế, hậu thuẫn về tinh thần, thống nhất đường hướng và “quốc tế hoá”
hoạt động chống đối của chúng. Khi đó, tính chất nguy hiểm và sức chống phá của
chúng sẽ tăng lên gấp bội.
Bốn là, lợi dụng giáo lý,
giáo luật, sinh hoạt của các tôn giáo để kích động tín đồ chống lại chính sách
của Đảng và Nhà nước. Các tôn giáo đều có giáo luật, giáo lý, các qui định cụ
thể về việc tín đồ đến các cơ sở thờ tự của tôn giáo mình theo để hành lễ, nghe
giảng về kinh kệ, về đạo pháp… Các linh mục, mục sư thay Chúa Trời giảng Kinh
Thánh trong các ngày hành lễ; các Hòa thượng, thượng tọa, tăng ni thay mặt Đức
Phật giảng về kinh kệ, Phật pháp… Đó là những điều cơ bản về giáo lý, giáo luật
của tôn giáo, các thế lực thù địch hiểu rất rõ điều đó, chúng ra sức lợi dụng
vấn đề này để dễ bề kích động, chống phá, lôi kéo các chức sắc, tín đồ tôn giáo
chống đối chính quyền.
Năm là, lợi dụng những sơ hở thiếu sót của chính quyền trong việc thực hiện chính
sách tôn giáo để chống đối. Chúng tuyên truyền, xuyên tạc về đường lối, chính
sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước để kích động tư tưởng bất mãn, chống đối chính
quyền. Đẩy mạnh hoạt động tôn giáo trái pháp luật và bành trướng phát triển lực
lượng. Đồng thời, thu thập cung cấp cho các thế lực thù địch nước ngoài để lấy
đó làm bằng chứng nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Nhà nước ta.
Quá trình thực hiện, các thế lực thù địch đã móc
nối, liên kết chặt chẽ giữa đối tượng ở trong nước với những đối tượng ở nước
ngoài. Trong đó, đối tượng nước ngoài, thường giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo, tài
trợ và hậu thuẫn cho đối tượng ở trong nước. Đối tượng cốt cán ở trong nước chủ
yếu là các chức sắc có âm mưu và hoạt động chống đối cách mạng, trực tiếp triển
khai, thực hiện âm mưu, ý đồ lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch ở nước
ngoài.
Âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo chống cách mạng
nước ta của các thế lực thù địch vô cùng thâm độc, tác động lớn đến nhiều lĩnh
vực của đời sống xã hội, dễ làm cho quần chúng nhân dân dao động, mất cảnh
giác, không nhận diện được sự chống phá của địch. Điều đó, làm cho việc đấu
tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng nước ta
càng trở nên khó khăn, phức tạp. Vì vậy, phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác,
chủ động đấu tranh trên mọi mặt trận, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn
của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét