Để nhận thấy sự quan tâm của Nhà nước Việt
Nam đối với các vấn đề trong xã hội, có thể nhìn sang quốc gia hùng mạnh nhất
thế giới là nước Mỹ. Năm 2004, siêu bão Charley quét từ vịnh Mexico qua Florida
đến Đại Tây Dương, tàn phá một số vùng của nước Mỹ, làm 22 người chết và thiệt
hại 11 tỷ USD. Điều đáng nói, sau cơn bão này, người dân Mỹ mới nhận ra những
điều bất ổn trong xã hội mình. Đó là nhân việc bão quét sạch mọi thứ, nhiều
doanh nghiệp đã nâng giá bán với mức cắt cổ để kiếm lợi. Máy phát điện từ 250 USD
tăng lên 2.000 USD; nước đá từ 2 USD được nâng lên 10 USD; một gia đình muốn dọn
hai cây đổ vào nóc nhà thì phải trả giá là 23.000 USD (khoảng 530 triệu VNĐ). Đỉnh
điểm là câu chuyện một cụ bà 70 tuổi chạy bão với người chồng và cô con gái
khuyết tật đã phải trả 160 USD (khoảng 3,7 triệu VNĐ) một đêm cho buồng trọ giá
bình thường chỉ 40 USD. Tờ USA Today khi đó đã bức xúc chạy dòng tít:
“Kền kền sau bão” để phê phán thực trạng lợi dụng thảm họa, lợi dụng sự khổ đau
của người khác để ép giá cắt cổ. Thế nhưng, điều đáng nói hơn là một số nhà
kinh tế tại Mỹ lại phản đối tờ USA Today và cho rằng việc tăng giá
như thế là bình thường, vì trong một nền kinh tế thị trường có quy luật cung cầu,
cầu tăng mà nguồn cung giảm thì ắt giá sẽ tăng, chứ không có khái niệm “giá cắt
cổ”.
Nhìn vào sự việc trên để thấy sự khác biệt
ở Việt Nam. Khi xảy ra những trận thiên tai, bão lũ, thảm họa ở bất kỳ khu vực
nào thì cả nước đều quan tâm, theo dõi, lo lắng rồi chung tay, quyên góp cùng địa
phương đó kịp thời khắc phục hậu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống. Các lực
lượng chức năng, trong đó quân đội là lực lượng nòng cốt, được huy động để giúp
đỡ người dân khẩn trương thu hoạch mùa màng, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vườn ruộng,
đường xá, trường học, bệnh viện sau bão. Các hoạt động ấy vừa là nhiệm vụ được
cấp trên giao phó nhưng cũng xuất phát từ trái tim. Bởi dân tộc Việt Nam, xã hội
Việt Nam là một xã hội hướng thiện, yêu thương đùm bọc nhau đã là truyền thống
từ xưa tới nay: “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”... Khi
nền kinh tế phát triển thường sẽ kéo theo những sự phát triển không đồng đều vì
đặc điểm địa lý, lợi thế của mỗi vùng miền, rồi khả năng của mỗi con người cũng
khác nhau. Nhận thấy nguy cơ này, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm để
thiết kế các chế độ, chính sách thúc đẩy sự phát triển của vùng sâu, vùng xa,
giúp đỡ người nghèo vươn lên theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ở một xã hội phát triển như Nhật Bản, được
coi là hình mẫu của nhiều quốc gia, thế mà trong nhiều tác phẩm của mình, ông
Inamori Kazuo, một doanh nhân, một nhà giáo dục nổi tiếng của Nhật Bản vẫn nhiều
lần phê phán, tỏ ý thất vọng vì xã hội và con người Nhật Bản hiện nay đang bị
thoái hóa về đạo đức, một xã hội dần trở nên bị lũng đoạn bởi nhiều thói xấu
như tham nhũng, ích kỷ, thiếu tử tế... Do đó có thể thấy, ở bất cứ một quốc gia
nào, một chế độ nào cũng không bao giờ có sự hoàn hảo. Tất cả quốc gia, dân tộc,
cơ quan, tổ chức, cá nhân đều mãi mãi chỉ trên con đường để vươn tới sự hoàn hảo.
Và muốn vươn tới tiệm cận sự hoàn hảo đó thì chúng ta cần phải có cái nhìn đúng
đắn, khách quan về mọi thứ xung quanh mình. Thay vì oán trách tại sao ai đó
không làm điều tốt cho mình, tại sao mình không được hưởng những điều tốt đẹp
hơn thì nên tự nỗ lực hơn nữa trong công việc và cuộc sống.
Đất nước Việt Nam đang trên con đường
phát triển, do đó còn nhiều vấn đề đặt ra, còn những mặt trái trong xã hội. Vì
vậy, muốn đất nước phát triển thì mọi người cần bình tĩnh, tỉnh táo để nhìn nhận
đúng mọi vấn đề xung quanh mình, nỗ lực đóng góp sức mình dưới sự lãnh đạo của
Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đừng vì những mặt trái hiện có trong xã hội mà
thất vọng, chán nản, để rồi dễ bị lợi dụng, bị kích động, tự mình phá hoại sự ổn
định của đất nước mình, sự bình yên, hạnh phúc của bản thân mình.
Không có chế độ nào tốt hơn chế độ XHCN cả
Trả lờiXóa