Trong xã hội hiện nay, chúng ta không khó
để nhận ra có những người rất hay than trách cuộc sống, nghi ngờ mọi thứ xung
quanh, cho rằng mọi thứ đều xấu xa, tự cảm thấy mình chịu nhiều bất công, từ đó
oán trách chế độ xã hội. Họ nhìn xã hội qua lăng kính màu đen nên mọi thứ xung
quanh đều trở nên đen tối. Khi kinh tế phát triển họ nói rằng phát triển không
thực chất, phải đánh đổi môi trường, lợi ích vào túi một số ít người. Khi một số
cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số vụ tham nhũng bị phát giác, xử lý nghiêm
theo pháp luật, thì họ cho rằng như thế là chưa đủ, mà thậm chí phải "đập
chế độ này đi xây lại vì cả hệ thống tham nhũng". Khi một vài trường học xảy
ra bạo lực học đường, thì họ kết luận cả nền giáo dục là bỏ đi. Thậm chí khi
bóng đá Việt Nam giành được nhiều thành tích, nhiều chiến thắng vinh quang ở tầm
châu lục và vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á, họ cũng cho rằng đó là may mắn,
rồi chỉ là thành tích của một lứa cầu thủ, một huấn luyện viên, còn cả nền bóng
đá vẫn tồi tệ...
Thực tế trong bất cứ xã hội nào cũng tồn tại
những người bi quan và bất mãn. Điều này là kết quả, là ảnh hưởng từ xuất phát
điểm của mỗi người; từ quá trình giáo dục, từ những kết quả công việc và cuộc sống
cho đến cách tiếp nhận, phân tích thông tin của mỗi người và quan trọng là cách
tự xác định tâm thế, vị trí của mỗi người đối với cuộc sống. Chúng ta có thể gặp
không ít người có đời sống vật chất đủ đầy, có nhà lầu, xe hơi... nhưng vẫn bất
mãn với cuộc sống, vẫn thấy nhiều người hơn mình, vẫn thấy mình thiệt thòi. Từ
những bất mãn so bì đó, thay vì nỗ lực để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn nữa
cho bản thân như mong muốn, thì họ lại quay ra oán trách, thậm chí chửi bới,
bôi nhọ chế độ xã hội.
Những lúc bình thường thì tâm thế của kiểu
người nêu trên gây tiêu cực cho chính bản thân họ và xã hội. Nhưng khi mà cuộc
đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" diễn ra rất
quyết liệt, có nhiều sắc thái mới thì việc tồn tại trong xã hội kiểu người nói
trên sẽ là cơ hội để các thế lực thù địch hướng tới, lôi kéo, nhằm đạt được mục
đích là gây bất ổn xã hội, thậm chí gây rối loạn xã hội, tiến tới lật đổ chế độ.
Để nói về điều này, cần phải nhìn lại giai
đoạn vừa qua của lịch sử thế giới đã chứng kiến những kết cục đau lòng từ sự ngộ
nhận, lầm tưởng của một lớp người trong xã hội. Năm 2011, các cuộc biểu tình có
cái tên rất mỹ miều là "Mùa xuân Ả Rập" đồng loạt nổ ra tại một số quốc
gia Bắc Phi, Trung Đông, như: Tunisia, Algerie, Ai Cập, Yemen, Libya, Iraq,
Syria... Các cuộc biểu tình này đã dẫn tới bạo động chống chính phủ, lan
nhanh như một bệnh dịch khiến chính phủ ở một loạt nước như Ai Cập, Libya,
Tunisia, Yemen bị lật đổ, xã hội hỗn loạn... Các nước Syria, Yemen chìm trong nội
chiến. Theo ước tính đến năm 2016, "Mùa xuân Ả Rập" và các cuộc nội
chiến từ hậu quả của nó đã làm Syria, Lybia, Iraq bị tàn phá, khoảng 500.000
người chết, hàng chục triệu người bị mất nhà cửa, phải chạy tị nạn sang các quốc
gia khác.
Nguyên nhân dẫn tới biểu tình và bạo động
là những vấn đề xã hội đã tồn tại trong các quốc gia nêu trên chậm được cải thiện,
những vấn đề tư tưởng, những ấm ức, bất mãn, tâm lý bị thiệt thòi của một bộ phận
người dân không sớm được giải tỏa và tìm biện pháp khắc phục. Cùng với đó là sự
can dự, giật dây của các nước phương Tây, tiếp sức bằng tiền và vũ khí cho các
nhóm chống đối, kích động, lôi kéo người dân xuống đường biểu tình. Đó là vì
các nước phương Tây muốn thay đổi các chế độ trái mắt họ, vì lợi ích của họ. Kết
quả của "Mùa xuân Ả Rập" là một thứ mùa xuân chết chóc, hỗn loạn, tan
vỡ, ly tán, vợ mất chồng, cha mất con, người dân mất nhà cửa, đất nước tan
hoang. Những nhà lãnh đạo bị phương Tây gọi là những “nhà độc tài” đã bị lật đổ,
để rồi thay thế vào đó là nhiều nhóm quyền lực mới nổi lên bắn giết nhau, bất
chấp mạng sống của người dân để giành quyền lực. Nhiều người dân Ả rập đã hối
tiếc, muốn mọi thứ trở lại giai đoạn “tiền Mùa xuân Ả Rập”.
Nhìn người để nghĩ tới ta. Đất nước Việt
Nam hiện được đánh giá nằm ở nhóm quốc gia có tốc độ phát triển nhanh hàng đầu
thế giới. Chúng ta có thể cảm nhận thấy rõ đời sống của người dân đang đi lên
theo thời gian. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, 70% người
dân Việt Nam đã được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung
lưu theo chuẩn thế giới. Tính từ năm 2014 tới nay, trung bình mỗi năm có 1,5
triệu người Việt Nam gia nhập vào tầng lớp trung lưu toàn cầu, cho thấy các hộ
gia đình đang tiếp tục leo lên bậc thang kinh tế cao hơn sau khi thoát nghèo. Tất
cả vấn đề xã hội, vấn đề về môi trường, phát triển bền vững đều được Đảng, Nhà
nước quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên được đặc biệt
quan tâm và thực hiện thực chất, quyết liệt. Thế nhưng tất cả những thực tế rõ
ràng đó, những con người có con mắt thiếu khách quan vẫn cố tình không thừa nhận.
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa