Thứ Hai, 20 tháng 5, 2019

YÊU CẦU VÀ ĐỊNH HƯỚNG BẢO ĐẢM, THÚC ĐẨY QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Việc thực hiện bản Hướng dẫn số 02-HD/TW của Ban Bí thư Khóa XII về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trên lĩnh vực quyền con người là nhiệm vụ vừa mang tính cơ bản, vừa mang tính cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến khó lường, nhất là những tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ, cực đoan, tình hình thiên tai, dịch bệnh, xung đột sắc tộc, tôn giáo; tranh chấp lãnh thổ,... Thông qua thực hiện hướng dẫn số 02, tạo những điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững đất nước, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời đập tan những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Đối với lĩnh vực quyền con người, theo Kết luận của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 44-CT/TW, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân các cấp cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: 
Một là, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; đưa các quy định về quyền con người vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa cải cách tư pháp, cải cách hành chính; mở rộng, tăng cường dân chủ ở cơ sở. Phát huy mạnh mẽ những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, bảo đảm ngày càng tốt hơn và thúc đẩy quyền con người trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt giảm nghèo bền vững và bảo đảm quyền của những nhóm dễ bị tổn thương.
Hai là, đổi mới tư duy, chủ động mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quyền con người, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về những thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế thừa nhận; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về quyền con người ở nước ta.
Ba là, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người nhằm thúc đẩy việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo đảm quyền con người gắn với nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, cần tăng cường đối thoại để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng và những sự hiểu biết khác nhau giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế trong vấn đề dân chủ, quyền con người; đồng thời kiên quyết bảo vệ quan điểm, lập trường, lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam, đấu tranh ngăn chặn một cách hiệu quả các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta./.

2 nhận xét: