Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

THÀNH TỰU TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ CỦA VIỆT NAM BÁC BỎ MỌI SỰ XUYÊN TẠC

Trên lĩnh vực kinh tế, thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới; thoát khỏi vị thế của nước kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình với mức tăng trưởng kinh tế khá cao trong nhiều năm. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước từ chỗ đạt 6,3 tỷ USD vào năm 1989 đã không ngừng tăng lên, đạt hơn 240 tỷ USD vào năm 2018. Đánh giá về vấn đề này, chiến lược gia về truyền thông của WEF 2018, Peter Vanham khẳng định: “Nếu như cách đây chỉ khoảng 30 năm, kinh tế Việt Nam còn rất khó khăn. Giờ đây, Việt Nam là một trong những “ngôi sao” trong nhóm các nước mới nổi”. Còn Chủ tịch điều hành WEF 2018 Borge Brende thì nhấn mạnh: “Từ năm 2010 đến nay, WEF đã chứng kiến sự tăng trưởng vị thế tuyệt vời của Việt Nam với GDP tăng gần gấp đôi trong tám năm, xuất khẩu tăng gần gấp ba lần. Quan trọng hơn là tỷ lệ đói nghèo tại Việt Nam đã giảm nhanh, năm 1990 tỷ lệ đói nghèo là 50% thì nay chỉ còn khoảng 3%. Những con số này là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của Việt Nam trong tiến trình phát triển vững chắc”. Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lương thực và đứng trong tốp đầu thế giới xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử... Đến nay, nước ta đã có quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. 71 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nước ta cũng đã ký 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước, trong đó 11 hiệp định đã có hiệu lực. Hiện nay, Việt Nam đang cùng các nước tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); đẩy mạnh các hoạt động vận động và thúc đẩy Liên minh châu Âu sớm ký kết, phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu.
Cùng với việc đăng cai và tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế về phát triển kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam còn được mời tham dự các hội nghị quốc tế lớn, như: Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Đức (tháng 7-2017); Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Ca-na-đa (tháng 6-2018); Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos - Thụy Sĩ (tháng 01-2019). Điều đó cho thấy, sự coi trọng của các nước lớn đối với vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định nước ta đã thực sự là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trên cả ba cấp độ: song phương, khu vực và toàn cầu.

2 nhận xét:

  1. Chúng ta phải nhận biết và đấu tranh mạnh mẽ chống lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam của bọn phản động và các thế lực thù địch

    Trả lờiXóa