Nhiều nhà bình luận quốc tế cho rằng, những
thập kỷ gần đây, việc biểu tình, bạo động nổ ra ở nơi này, nơi kia không phải
là việc “mới lạ” ở châu Âu, nhưng biểu tình đồng loạt bùng nổ ở nhiều nước như
phong trào “áo vàng” vừa qua thì thực sự là vấn đề “đáng lo ngại”. Phân tích
các yêu sách mà người biểu tình đưa ra, như: đòi cải thiện cuộc sống, đảm bảo
an sinh xã hội, nhất là thái độ “giận dữ” của họ đối với các chính sách “không
hợp lòng dân” của chính phủ, có thể thấy, tầng lớp trung lưu và những người lao
động ở nhiều nước châu Âu đang “bất bình” sâu sắc với giới cầm quyền nước họ.
Phong trào “áo vàng” vì thế trở thành “mồi lửa” châm ngòi để nó “nổ bung” thành
làn sóng biểu tình dữ dội ở hàng loạt nước thuộc châu lục này. Kết quả các cuộc
thăm dò cho thấy, người biểu tình ở châu Âu “bất bình” về nhiều lĩnh vực “nổi cộm”
của đất nước:
Một là, sự phân hóa giàu nghèo, tình
trạng bất công trong xã hội đã đến mức “báo động”. Nhiều đánh giá quốc tế cho
biết, những năm gần đây, sự chênh lệch về mức thu nhập của người dân ở các nước
EU là rất lớn. 20% dân số có thu nhập cao nhất có tài sản gấp hơn 5 lần so với
20% dân số có mức thu nhập thấp nhất; 1% người giàu nhất nắm giữ tới 20% của cải.
Trên thực tế, tầng lớp người giàu có cuộc sống vương giả, trong khi tầng lớp
công nhân và người lao động có mức thu nhập chỉ khoảng 1.500 euro/tháng - mức
thu nhập được coi là chỉ “đủ sống”. Một bộ phận không nhỏ người lao động tự do thì
phàn nàn rằng, họ phải rất vất vả mới kiếm đủ tiền để thuê nhà và trang trải
sinh hoạt. Số đông người về hưu ca thán, khoản “lương hưu” của họ quá “còm” so
với biến động giá cả trên thị trường. Họ đòi chính phủ tăng “lương hưu” và đảm
bảo các phúc lợi xã hội mà họ phải được hưởng. Tầng lớp nông dân thì bức xúc với
việc các vùng nông thôn, vùng xa xôi, hẻo lánh của họ không có các dịch vụ tốt
về giao thông, y tế, giáo dục - đào tạo,… so với thủ đô và các vùng đô thị. Tầng
lớp thanh niên ở các khu vực nông thôn nói rằng, họ ít có cơ hội để vào các trường
đại học và tìm việc làm so với thanh niên ở khu vực thành thị. Những năm gần
đây, tỷ lệ người thất nghiệp ở nhiều nước tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức khoảng
10% và tỷ lệ người thất nghiệp ở lứa tuổi thanh niên vẫn ở mức cao. Trong đó,
thanh niên hư hỏng, vướng vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật ở khu vực nông
thôn cũng cao hơn ở khu vực thành thị, v.v.
Hai là, giảm lòng tin vào các chính
sách của chính quyền. Phải nói rằng, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các
nước EU có một giai đoạn dài phát triển “thịnh vượng”: kinh tế tăng trưởng cao,
khoa học - công nghệ phát triển hiện đại, thu nhập và đời sống của đại đa số
nhân dân ở mức khá giả với nhiều phúc lợi xã hội “đáng mơ ước”. Tuy nhiên, từ
thập niên 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng tài chính, kinh tế, nợ công diễn ra
liên miên, đẩy kinh tế các nước EU lâm vào suy thoái. Chính phủ các nước EU đã
đề ra rất nhiều chính sách phục hồi, nhưng như họ thừa nhận, vẫn chưa thể khắc
phục được cái gọi là “những khuyết tật cố hữu” của nền kinh tế tư bản; tỷ lệ nợ
công và nợ chính phủ vẫn ở con số rất cao. Tình hình đó, buộc chính phủ nhiều
nước EU phải thực hiện những giải pháp “vạn bất đắc dĩ” là cắt giảm mạnh các
phúc lợi xã hội, cái mà một thời họ vẫn tự hào là “ưu việt” của Tây Âu; đồng thời,
tăng các loại thuế đánh vào “hầu bao” của người lao động. Đây là nguyên nhân dẫn
đến tình trạng người giàu thì ngày càng giàu hơn; người lao động, kể cả tầng lớp
trung lưu thu nhập không tăng hoặc tăng không đáng kể nhưng phải gánh ngày càng
nhiều các loại thuế, nên đời sống khó khăn hơn. Từ cuộc sống khá giả trước đây,
nay “phú quý ngày càng giật lùi” khiến cho đại đa số người lao động ở nhiều nước
EU “chán nản”, giảm lòng tin, “bất mãn” với năng lực lãnh đạo của chính quyền.
Người dân Pháp “quá thất vọng” và gọi Tổng thống E. Ma-crông là “tổng thống của
người giàu” khi Ông quyết định cắt giảm “thuế thu nhập” cho giới thượng lưu,
khiến “kho bạc” chính phủ bị giảm khoảng 3,5 tỷ euro. Để bù ngân sách thiếu hụt,
Ông lại “quá khinh xuất và độc đoán” khi quyết định tăng các loại thuế mà tầng
lớp lao động là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong đó, quyết định tăng
thuế môi trường đối với xăng dầu đã “châm ngòi” cho một làn sóng “phản kháng dữ
dội” ở Pháp và khắp châu Âu. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng
thống Pháp E. Ma-crông đã tụt dốc “thê thảm”, từ mức trên 80% khi mới cầm quyền
xuống còn dưới 20% hiện nay.
Đánh giá một cách khách quan, toàn diện
quá trình hình thành và phát triển của EU, chính khách nhiều nước cho rằng, làn
sóng biểu tình của phong trào “áo vàng” hoàn toàn không phải là “bộc phát”, mà
là hệ quả tất yếu của những mâu thuẫn cố hữu đã được tích tụ trong lòng xã hội
các nước EU từ nhiều thập kỷ qua. Phong trào “áo vàng” chỉ là “giọt nước làm
tràn ly” và làn sóng khổng lồ người biểu tình đang “khốn khó trong lo toan cuộc
sống”, cùng với các thể chế “yếu kém”, “bất lực” của các nước EU hiện nay cũng
chỉ là những “nạn nhân đáng thương” mà thôi.
Nội dung bài viết rất hấp dẫn bạn đọc
Trả lờiXóaBiểu tình sẽ làm nghèo đất nước
Trả lờiXóa