Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

ĐẶC QUYỀN, ĐẶC LỢI VÀ SỰ ĐÁNH MẤT

Trong cuốn sách “Tính trước nguy cơ-suy ngẫm sau 20 năm Đảng Cộng sản Liên Xô mất Đảng” xuất bản năm 2017, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chỉ ra rằng: Nhiều học giả phương Tây, trong đó có David M.Kotz, cho rằng, ngoài nguyên nhân lãnh đạo ra, sự theo đuổi lợi ích vật chất và danh lợi là nguyên nhân quan trọng khiến giới tinh anh trí thức Liên Xô biến chất nhanh chóng.

Sau này, khoảng cách thu nhập giữa cán bộ Đảng và Nhà nước với quần chúng nhân dân lên tới hàng chục lần. Shevchenko-nhà ngoại giao cấp cao của Liên Xô chạy trốn đến phương Tây-đã mô tả cuộc sống của tầng lớp đặc quyền như sau: “Họ phê phán cách sống của tầng lớp tư sản, nhưng bản thân lại một lòng một dạ chạy theo cách sống đó; họ chỉ trích chủ nghĩa tiêu thụ là sự phản ánh của tư tưởng dung tục, là kết quả độc hại của ảnh hưởng phương Tây, nhưng những người hưởng thụ đặc quyền lại hết sức coi trọng việc hưởng thụ các đồ tiêu dùng và vật chất của phương Tây".

Dưới thời Gorbachev, cuốn sách của tác giả Boldin cho hay, ông này có tài khoản ngân hàng cá nhân mấy triệu USD; xây dựng dinh thự ở nhiều thắng cảnh lên tới hàng trăm triệu rúp... Một bản điều tra vào tháng 6-1991 cho thấy, trong đội ngũ cán bộ cao cấp Đảng Cộng sản Liên Xô, 76,7% đã nhận thấy nên đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, chỉ có 12,3% ủng hộ cải cách dân chủ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, số người giữ thái độ khẳng định đối với mô hình chủ nghĩa xã hội trước cải tổ chỉ có 9,6%. 

Sự hình thành tầng lớp đặc quyền đặc lợi, đề cao lối sống thực dụng, chạy theo vật chất, văn minh phương Tây một cách mù quáng đã tạo ra hố sâu ngăn sách giữa Đảng và quần chúng, là một nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Đặc quyền không làm nên giá trị, không để lại danh thơm. Một ví dụ khác còn để lại bao điều suy nghĩ. Trong lịch sử Giải Nobel Hòa bình, chỉ có duy nhất một trường hợp từ chối nhận là đồng chí Lê Đức Thọ năm 1973. Cùng năm ấy, đối thủ của ông, ngoại trưởng Mỹ Kissinger lại rất "tự hào" và vui vẻ nhận thưởng cùng một cơn bão chỉ trích chưa từng có. Sau này, chính cựu tổng thống Liên Xô Gorbachev cũng nhận giải thưởng này. Có nhiều điều để so sánh và với ông Lê Đức Thọ, trong thư gửi ban tổ chức, ông cũng nói Giải thưởng Nobel là một giải thưởng lớn với thế giới, từ xưa đến nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhưng tại sao ông không nhận? Đơn giản vì với ông, đó không phải là giá trị cao nhất của cuộc sống, của con đường mà ông đang đi. Ủy ban giải đã đặt ngang bằng kẻ xâm lược và người bị xâm lược, giữa kẻ gây chiến tranh và người tạo ra hòa bình. Với ông, hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho Tổ quốc, cho nhân dân mới là giá trị to lớn nhất.

Những câu chuyện đó sẽ mãi là những bài học thực tiễn sâu sắc để chúng ta nhìn nhận, xây dựng bức trường thành phòng vệ từ xa, để không đi vào bánh xe đổ khi đội ngũ cán bộ bị lòng ham muốn vật chất làm gục ngã, không còn là công bộc của dân.

Thời gian vừa qua, Thường vụ Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chuyên đề, dự thảo Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là những việc làm rất thiết thực để quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020-2025: “Đảng bộ Quân đội phải thật sự trong sạch vững mạnh tiêu biểu, gương mẫu đi đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quân đội phải thật sự trong sạch trong nội bộ, đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực, chống chủ nghĩa cá nhân”. Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ chắc chắn sẽ mãi là ngôi sao sáng dẫn đường để mỗi người lính vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, thiệt thòi, hy sinh, cống hiến và tìm thấy chân giá trị đích thực trong cuộc sống binh nghiệp cách mạng của mình!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét