Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

NGUYÊN TẮC, NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

Đoàn kết dân tộc phải trên cơ sở các nguyên tắc: Thống nhất giữa lợi ích của quốc gia dân tộc với quyền lợi cơ bản của các dân tộc; tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân các dân tộc; đoàn kết một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo, lâu dài, chặt chẽ; đoàn kết phải chân thành, thẳng thắn, thân ái. Phương thức để thực hiện đoàn kết dân tộc là: tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục; xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số; kết hợp đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm mở rộng đến mức cao nhất trận tuyến cách mạng và thu hẹp đến mức tối đa trận tuyến thù địch; đoàn kết dân tộc gắn với đoàn kết quốc tế. Mục tiêu hướng đến cũng chính là cơ sở của khối đoàn kết dân tộc nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, phát huy sức mạnh của các dân tộc trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Việc củng cố, xây dựng, phát huy đoàn kết các dân tộc là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam - bao gồm đoàn kết trong Đảng, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp nhân dân, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, đoàn kết giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, đoàn kết quốc tế. Củng cố và tăng cường đoàn kết dân tộc góp phần quan trọng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, đoàn kết dân tộc ở đây là đoàn kết trên phương diện tộc người ở nước ta, khác với đại đoàn kết toàn dân tộc là đoàn kết trên phương diện quốc gia dân tộc Việt Nam.

Nội dung thực hiện đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam hiện nay tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng đứng chân và toàn thể đồng bào các dân tộc trên địa bàn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương về dân tộc và đoàn kết các dân tộc; về truyền thống yêu nước, đoàn kết của các dân tộc địa phương; sự đoàn kết, nhất trí, đồng thuận giữa các dân tộc với Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang...

Thứ hai, phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, tạo nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc của khối đoàn kết các dân tộc. Điều này đảm bảo lợi ích thiết thực của đồng bào các dân tộc, là cơ sở quan trọng của khối đoàn kết các dân tộc nước ta, đồng thời đảm bảo giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang.

Thứ ba, tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng nhằm thu hút sự tham gia của đồng bào các dân tộc như: phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu  dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”… Quan tâm giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc nảy sinh trên địa bàn; phòng, chống, ngăn chặn tư tưởng và hành động chia rẽ dân tộc, tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc nhỏ...

Thứ tư, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng phá hoại, chia rẽ dân tộc, các hoạt động làm mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Chủ động đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch như: kích động ly khai, “tự trị”, truyền đạo trái pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét