Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

ĐỔI MỚI VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dạy học nhằm phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Trong giáo dục, người học bao giờ cũng là trung tâm, Hồ Chí Minh luôn lưu ý những người dạy, những nhà giáo phải chú ý tới đặc điểm của đối tượng, phải “đóng giầy theo chân”, không phải “khoét chân cho vừa giầy”. Điều này đòi hỏi người thầy phải bám sát, hiểu rõ đặc điểm đối tượng người học từ đó có phương pháp dạy phù hợp nhằm đảm bảo tính vừa sức. Người nhiều lần bày tỏ quan điểm chống lại cách dạy, cách học không hướng vào sự phát triển của người học, không kích thích sự suy nghĩ trong học tập. Người yêu cầu phải tránh lối dạy nhồi sọ. Người thầy cần phải có phương pháp dạy sao cho phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của người học. Cần phải thực hành dân chủ trong giáo dục. Đối với mọi vấn đề “thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt”. Đây là quan điểm mới trái ngược với phương pháp giáo dục nhồi sọ, áp đặt của chế độ thực dân, phong kiến.

Hồ Chí Minh rất chú trọng đến tính thiết thực của việc dạy. Người nhiều lần nhắc nhở phải tránh lối dạy học ôm đồm, chạy theo số lượng, chạy theo thành tích, vừa không đạt hiệu quả đặt ra, vừa gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian, công sức và tiền của. Người cho rằng giáo dục phải bảo đảm tính vừa sức, phải căn cứ vào đặc điểm của đối tượng, trình độ, năng lực và tâm lý người học, không nên tham nhiều sẽ tạo tâm lý chán nản, không hứng thú trong học tập, vì thế sẽ không phát triển trí tuệ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học

Trong toàn bộ di sản tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về tự học, đặc biệt là tấm gương mẫu mực tự học và học suốt đời của Người là bài học vô cùng quý giá đối với các thế hệ người Việt Nam, vấn đề cơ bản nhất, nổi bật nhất là vấn đề xây dựng và hoàn thiện con người thông qua hoạt động giáo dục và tự giáo dục. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), khi nói về công tác huấn luyện cán bộ, Người đã có những chỉ dẫn xác đáng “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”. Sau này, khi nói về công tác huấn luyện và học tập (năm 1950), Người lại nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”. Những lời dạy ngắn gọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nổi bật lên tính cần thiết của việc tự học và mối liên hệ khăng khít của các chủ đề tham gia vào quá trình tự học.

Học tập là công việc đòi hỏi mỗi người phải luôn tự trau dồi kiến thức của mình qua nhiều hình thức học tập đa dạng, học mọi nơi, mọi lúc. Hồ Chí Minh lưu ý: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhay và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót lớn”. Với Người học tập là một sống việc suốt đời, là một nhiệm vụ cách mạng. Xã hội ngày càng phát triển, công việc ngày càng nhiều, máy móc ngày càng tinh xảo, để không lạc hậu, không bị đào thải, phải không ngừng học tập. Người khẳng định “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy phải học thêm”. Sự học là vô cùng vì “dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải mình trước”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét