Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA ĐẢNG TA VỀ ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC

Trên cơ sở quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định đoàn kết dân tộc là nguyên tắc cơ bản, nhất quán về dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam cùng với các nguyên tắc: bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Đảng chỉ rõ: Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xem vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng xác định một nhiệm vụ quan trọng của cách mạng bấy giờ là đoàn kết công nông các dân tộc để tập hợp lực lượng cách mạng, giải phóng dân tộc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh “thù trong, giặc ngoài”, Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, Đảng chủ trương tăng cường đoàn kết dân tộc để “kháng chiến và kiến quốc”, coi: Chính sách dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng trong chính sách đại đoàn kết của Đảng, và khẳng định: Chính sách của Đảng và Chính phủ lúc này là làm cho các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, đặng kháng chiến, đánh bại quân xâm lược và cùng nhau xây dựng một quốc gia Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường. Trong đó mọi dân tộc đều bình đẳng và giúp đỡ nhau cùng tiến. Trong thời kỳ đổi mới, Nghị quyết số 24, Hội nghị lần thứ Bảy khóa IX của Đảng về Công tác dân tộc đã khẳng định: Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Quan điểm đoàn kết các dân tộc của Đảng dựa trên cơ sở  thống nhất lợi ích chung của quốc gia dân tộc, là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau, cùng phát triển. Việc củng cố, phát huy khối đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Như vậy, đoàn kết dân tộc ở nước ta là sự liên kết, gắn bó, cố kết, xích lại gần nhau, có trách nhiệm với nhau giữa các dân tộc - tộc người trong nước, tạo thành một khối vững chắc trên cơ sở lợi ích và mục tiêu chung là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là khối đoàn kết 54 dân tộc, đoàn kết giữa dân tộc đa số - dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số, đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số với nhau; đoàn kết giữa các dân tộc với Đảng, Nhà nước, tạo thành một khối vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc: bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đoàn kết các dân tộc vừa là vấn đề chiến lược, cội nguồn sức mạnh và nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng nước ta, đồng thời là nguyên tắc cơ bản, nhất quán, xuyên suốt trong quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc ở nước ta, nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh của cả 54 dân tộc, sức mạnh truyền thống và hiện đại, sức mạnh về vật chất và tinh thần, đặc biệt là sức mạnh về con người trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ở đây, đoàn kết dân tộc là sự đoàn kết giữa 54 dân tộc nước ta với nhau, đồng thời là sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc với Đảng, Nhà nước, với hệ thống chính trị địa phương và lực lượng vũ trang đứng chân trên một địa bàn cụ thể cũng như cả nước. Đó là biểu hiện sự gắn bó chặt chẽ trong quan hệ dân tộc trên phương diện mối quan hệ giữa các tộc người với nhau, giữa các tộc người với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước - chủ thể lãnh đạo, quản lý và là hạt nhân của khối đoàn kết dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét