Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

LUÔN ĐỀ CAO VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ THẦY CÔ GIÁO THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là những người chiến sĩ trên mặt trận giáo dục; là “những người vẻ vang nhất, là những người anh hùng vô danh”. Người luôn có sự tin tưởng và mong muốn các thế hệ học sinh không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện tốt để mai sau trở thành những người có ích cho Tổ quốc.

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năn châu hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em”. Lời dạy của Người đã hiệu triệu, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hàng triệu thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trên cả nước tích cực thi đua dạy tốt- học tốt; trở thành chỉ dẫn mang tính chân lý phát triển của Việt Nam từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, bị thực dân, đế quốc đàn áp, bóc lột đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây chính là một lời khẳng định của Người về vị trí, vai trò to lớn của giáo dục.

Theo Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là xây dựng đội ngũ những nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng “khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ”. Phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; chủ động thích ứng với điều kiện và đối tượng trong quá trình dạy - học hiện nay. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”. Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi”, và lời dạy của Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để nhấn mạnh rằng người huấn luyện nào tự cho mình là đã biết đủ rồi thì người đó dốt nhất. 

Người luôn nhắc nhở các nhà giáo và cán bộ quản lý phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng” và “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”…

Bên cạnh việc nêu lên những điều mà nhà giáo phải làm cho tốt, Người còn dặn dò các thầy, cô giáo và cán bộ quản lý không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể… và quyết tâm: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Có thể khẳng định, những quan điểm sáng tạo, tấm gương về tự học và học tập suốt đời và đổi mới về giáo dục của Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng và Nhà nước ta trong 35 năm đổi mới và tiếp tục được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...” và “xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đầu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét