Theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh, giáo dục có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng. Người chỉ rõ nền
giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng,
phát triển toàn diện con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của nền
giáo dục là “phải phục tùng đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền
với sản xuất và đời sống của nhân dân. học phải đi đôi với hành, lý luận phải
liên hệ với thực tế”. Giáo dục phải góp phần đào tạo ra được những người lao động
mới. Đó là những người có lòng yêu nước nồng nàn, “trung với nước, hiếu với
dân”, có đạo đức cách mạng trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không quản
ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, có tinh thần gan dạ, dũng cảm, khiêm tốn, thật
thà, cần cù, tiết kiệm, trong sạch, giản dị, có tri thức và sức khoẻ để trở
thành những người chủ tương lai của đất nước, “những người kế thừa xây dựng chủ
nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”.
Với một tầm nhìn thời đại
và tư duy toàn cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những mục tiêu của giáo dục
là “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển
toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Học
để làm việc, làm người, làm cán bộ. “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân
dân, Tổ quốc và nhân loại”; “Học để sửa chữa tư tưởng”; “Học để tu công đạo đức
cách mạng”; “Học để tin tưởng”...
Muốn đạt được những mục
tiêu đó, nội dung giáo dục phải toàn diện, phù hợp với tính chất của trường học
dưới chế độ mới; phù hợp với đặc điểm Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới.
Nội dung đó bao gồm cả văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp, các ngành nghề liên
quan trực tiếp tới công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số
và miền núi; các lĩnh vực an ninh, quốc phòng liên quan tới sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc..
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho
rằng giáo dục phải có tính toàn diện, trong đó giáo dục đạo đức là gốc rễ, nền
tảng. Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày mở trường 24/10/1955, Người nhắn
nhủ việc giáo dục gồm có:
- Thể dục: Để làm thân thể
mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung.
- Trí dục: Ôn lại những
điều đã học, học thêm những tri thức mới.
- Mỹ dục: Để phân biệt
cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
- Đức dục: Là yêu Tổ quốc,
yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công”.
Cả bốn nội dung trên của
giáo dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát lại trong hai chữ “tài” và “đức”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh, trong giáo dục, kiến thức là rất cần thiết, nhưng Người cũng chỉ ra rằng,
đạo đức đóng vai trò quan trọng không kém. Người khẳng định: “Giải phóng cho
dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có
đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì?”.
Nói chuyện với cán bộ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 21/10/1964, Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Trong bức thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét