Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn
kết dân tộc là hệ thống những luận điểm, nguyên tắc, phương pháp tập hợp
quần chúng nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng nhằm phát huy cao nhất sức
mạnh tolớn của toàn dân tộc. Trong lịch sử tư tưởng của Việt Nam, đã có
nhiều người nhắc đến đoàn kết dân tộc nhưng đến Hồ Chí Minh, đoàn kết trở thành
đại đoàn kết toàn dân.
Đoàn kết có thể hiểu là
sự tập hợp, kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung
nào đó. Còn đại đoàn kết là đoàn kết rộng rãi, tức muốn nhấn mạnh tới
thành phần, quy mô, lực lượng của khối đoàn kết. Đại đoàn kết có thể nhân
lên sức mạnh to lớn của cả một dân tộc như Hồ Chí Minh khẳng định: “Đại
đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân
dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc
của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền
vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”.
Nghiên cứu tư tưởng
Hồ Chí Minh, có thể nhận thấy cụm từ “đoàn kết” được Người nhắc tới hơn
hai nghìn lần và cụm từ “đại đoàn kết” được nhắc tới hơn tám mươi lần. Điều
đó nói lên sự quan tâm của Người đối với vấn đề đoàn kết, đại đoàn kết ở
mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh lịch sử.
Đoàn kết là một truyền
thống quý báu của nhân dân tộc Việt Nam.
Khái quát quá trình
phát triển của lịch sử Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định đoàn kết là một truyền
thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Do đó, Người luôn kêu gọi mọi người, nhất
là cán bộ phải luôn trân trọng truyền thống ấy và giữ gìn truyền thống tốt đẹp
của dân tộc như giữ gìn “con ngươi trong mắt mình”. Người nói: “Đoàn kết
là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ
Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ
gìn con ngươi của mắt mình”.
Đại đoàn kết là tập hợp sức
mạnh của toàn dân tộc, trong đó liên minh giữa nông dân, công nhân và trí thức
là nòng cốt.
Vớitư tưởng “lấy dân làm
gốc”, Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của nhân dân và sức mạnh đoàn kết của
nhân dân: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới
không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Trong tư tưởng
Hồ Chí Minh, nhân dân có một nội hàm rất rộng, để chỉ tất cả mọi con dân của
nước Việt Nam nói chung. Do đó, đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ
Chí Minh là đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các chính
đảng, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, kể cả những người trước đây lầm đường lạc
lối nhưng đã biết hối cải, quay về với chính nghĩa của dân tộc. Đoàn kết trong
tư tưởng của Người là đoàn kết rộng rãi, mở rộng và tranh thủ tất cả những lực
lượng và bộ phận có thể tranh thủ sức mạnh của họ: “Bất kỳ ai mà thật
thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì dù những người đó trước
đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ. Ai có
tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết
với họ”.
Theo Hồ Chí Minh, cốt lõi
của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân dân lao động mà trước hết là nông
dân, công nhân. Người khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn
kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các
tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết.
Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải
đoàn kết với các tầng lớp nhân dân lao động khác”. Trong các tầng lớp nhân
dân lao động khác mà Hồ Chí Minh nhắc đến, Người chú trọng đến đội ngũ trí thức
vì đó là những người có thể giúp cho nước nhà phát triển và xây dựng thành công
chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp
xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ
vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”. Như
vậy, khác với các nhà cách mạng tiền bối khi chỉ nhìn ra vai trò của giai cấp
nông dân hoặc tầng lớp sĩ phu trí thức, Hồ Chí Minh đã thấy được vai trò to lớn
của quần chúng nhân dân lao động và chỉ ra sự cần thiết phải đoàn kết, tập hợp
họ thành một khối thống nhất, cùng với các giai cấp, lầng lớp khác để tạo thành
khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là tư tưởng tiến bộ của Hồ Chí Minh, trên
cơ sở kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng
nhân dân và thể hiện tầm nhìn xa trộng rộng của Người về việc phát huy sức mạnh
toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng.
Đại đoàn kết là một chiến
lược quan trọng của cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thành công
Trong tư tưởng Hồ Chí
Minh, đại đoàn kết không phải là ý muốn chủ quan, cảm tính mà là một chiến lược
quan trọng của cách mạng nhằm tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc để giành lấy
thành công. Người từng khẳng định: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc,
không phải là một thủ đoạn chính trị”. Điều này có nghĩa là đoàn kết là một
chiến lược lâu dài của cách mạng, không phải là một thủ đoạn được áp dụng trong
một tình huống nào đó. Do đó, đại đoàn kết dân tộc vừa là mục đích, vừa là
nhiệm vụ hàng đầu mà sự nghiệp cách mạng cần hướng tới.
Trong quá trình khảo nghiệm
thực tế, Người đã nhận ra rằng: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta
đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân
ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”; “Không đoàn kết thì suy
và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận
mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Trong nhiều bài nói và viết, Người
luôn nhấn mạnh đến luận điểm: Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là một lực lượng
vô địch. Từ đó, Người đi đến khẳng định một vấn đề có tính chất giống như
một chân lý của thời đại: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công,
thành công, đại thành công”.
Xuất phát từ thực tiễn Việt
Nam là một nước nhỏ, còn nghèo, dân số ít lại thường xuyên phải đối mặt với nhiều
kẻ thù xâm lược vốn có ưu thế về vật chất, phương tiện chiến tranh, Hồ Chí
Minh luôn khẳng định chỉ có quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mới
có thể tạo nên sức mạnhto lớn để đương đầu và chiến thắngkẻ
thù. Người đã từng khẳng định bằng một niềm tự hào về sức mạnh đại
đoàn kết của dân tộc Việt Nam: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không
làm nô lệ, chỉ có một ý chí: Quyết không chịu mất nước, chỉ có một mục đích:
Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho tổ quốc. Sự đồng tâm của
đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng vững chắc xung quanh Tổ quốc. Dù địch
hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất
bại”.
Phương thức để thực
hiện đại đoàn kết dân tộc là thống nhất những điểm tương đồng, khắc chế những
điểm khác biệt.
Không chỉ khẳng định vai
trò của đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh còn chỉ ra phương thức để thực hiện sự
đoàn kết rộng rãi đến các tầng lớp, giai cấp nhân dân. Người cho rằng, mỗi giai
cấp, tầng lớp đều có đặc điểm riêng về lối sống, trình độ, nhận thức: “Cố
nhiên, dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp
khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiền tiến, có lớp chừng
chừng, có lớp lạc hậu”. Sự khác biệt đó đôi khi tạo nên những mâu thuẫn,
xung đột về lợi ích giữa họ. Tuy nhiên, để quy tụ họ thành một khối đại đoàn kết,
cần phải tìm kiếm, trân trọng và phát huy những điểm tương đồng, thống
nhất để khắc chế, giải quyết các điểm khác biệt, mâu thuẫn. Hồ Chí
Minh đã nhận ra yếu tố tương đồng để quy tụ sức mạnh của cả dân tộc làsự phản
ánh khát vọng cháy bỏng của mọi người Việt Nam yêu nước, đó là tinh thần: “Hy
sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại,
phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” ở
mọi nơi và mọi lúc”.Việc tìm ra sợi dây kết nối mọi tầng lớp, giai cấp của
Việt Nam là tinh thần yêu nước đã giúp Hồ Chí Minh mau chóng tập hợp được sức mạnh
của quần chúng, tạo thành một khối đại đoàn kết vững chắc. Đây là thành quả
cách mạng to lớn mà không phải vị lãnh tụ nào cũng có được.
Điều đặc biệt là Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra tư tưởng đại đoàn kết mà còn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở thời đại Hồ Chí Minh, các tầng lớp, giai cấp nhân dân ở mọi vùng miền của Tổ quốc, kể cả đồng bào sinh sống ở nước ngoài đã cùng chung tay đoàn kết, thống nhất, tạo thành sức mạnh to lớn để Việt Nam lần lượt chiến thắng được kẻ thù xâm lược, thực hiện được mục tiêu độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân. Đây cũng là điểm đặc sắc vừa làm nên giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành “kim chỉ nam” để dẫn dắt, lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét