Thế giới nói chung và Việt
Nam nói riêng đã từng bước vào nhiều cuộc chiến với quy mô, tính chất khác
nhau. Từ cuối năm 2019, có một cuộc chiến không có tiếng súng nhưng lại rất
nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân trên phạm vi toàn cầu. Đó là
cuộc chiến chống Covid-19.
Ngay từ khi xuất hiện ca
bệnh đầu tiên (ngày 22/1/2020), Việt Nam đã xác định đây là một dịch bệnh nguy
hiểm, có khả năng ảnh hưởng đến nhiều người, trên phạm vi rộng nên cần phải nêu
cao tinh thần: Chống dịch như chống giặc. Sự chủ động đó đã giúp cho Việt Nam
đã đưa ra nhiều giải pháp hữu ích. Một trong những giải pháp đã mang lại hiệu
quả cao là huy động sự tham gia của đông đảo nhân dân, phát huy sức mạnh toàn
dân tộc trong công tác phòng, chống Covid-19.
Chủ trương của Đảng,
Chính phủ huy động sức mạnh toàn dân tộc tham gia phòng, chống dịch.
Khi ca bệnh đầu tiên
xuất hiện không lâu, ngày 29/1/2020,Ban Bí thư đã ban hành công văn số
79-CV/TW gửi các tỉnh, thành phố, các cơ quan Trung ương yêu cầu phải coi
phòng, chống dịch là nhiệm vụ “trọng tâm, cấp bách”. Từ đó, kêu
gọi toàn thểnhân dân cả nước đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động để
tham gia chống dịch với quyết tâm cao, nỗ lực lớn.
Ngày 30/3/2020, Tổng Bí
thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt
Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến
thắng đại dịch Covid-19. Lời kêu gọi nêu rõ: “Với tinh thần coi sức
khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng
chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống
nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng
và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người
dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Lời kêu gọi giống
như một lời hiệu triệu khơi dậy tinh thần đoàn kết của
cả dân tộc trong công tác phòng, chống dịch.
Để cùng Đảng, Nhà nước tập
trung phòng, chống dịch và có thêm nguồn lực để tăng cường các biện
pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, ngày 17/3/2020 Đoàn Chủ tịch Uỷ
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Lời kêu gọi “Toàn dân ủng
hộ phòng, chống dịch Covid-19”. Mục đích của Lời kêu gọi là phát huy tinh
thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong công tác
phòng, chống dịch.
Tỏa sáng truyền thống đại
đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch
Trước diễn biến phức tạp
của đại dịch Covid-19, kế thừa truyền thống đại đoàn kết của dân tộc
và hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam lại
cùng chung tay, đồng lòng chống dịch. Tất cả tỉnh, thành phố, bộ, ngành, địa
phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đều nhiệt tình,tích cực tham gia
phòng, chống dịch.
Đi đầu là lực lượng cán bộ,
nhân viên ngành Y tế. Họ đã không kể ngày đêm tham gia xét nghiệm, sàng lọc, cứu
chữa bệnh nhân bị mắc Covid-19. Mặc dù cũng có không ít nhân viên y tế bị nhiễm
bệnh nhưng với tinh thần “tất cả vì cộng đồng”, các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống
dịch đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ những khó khăn, vất vả trong các
khu điều trị cách ly để hàng ngày, hàng giờ cứu chữa người bệnh. Đặc biệt, có
nhiều sinh viên ngành y mặc dù chưa tốt nghiệp nhưng đã tình nguyện tham gia chống
dịch tại địa phương cũng như xung phong đến những vùng dịch lớn để tăng cường
cho các y, bác sĩ.
Lực lượng cán bộ các cấp,
các ngành tại địa phương đã đồng sức, đồng lòng ngày đêm rà quét, khoanh vùng dập
dịch tại các khu dân cư. Ở khắp cả nước, đã có nhiều Tổ Covid cộng đồng với sự
tham gia của nhiều cán bộ cơ sở như công an, dân phòng, mặt trận, phụ nữ, thanh
niên... Nhiều doanh trại quân đội được trưng dụng làm cơ sở cách ly cho nhân
dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng vào rừng nhường lại nơi ăn, chốn ở cho nhân
dân có điều kiện tốt để cách ly. Trong các doanh trại cách ly của quân đội, người
cán bộ, chiến sĩ vừa là người hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng quy định của
Nhà nước về cách ly tập trung song họ cũng giống như những người thân trong gia
đình, luôn sẵn sàng giúp đỡ những người cách ly mỗi khi họ cần. Có thể nói,
chưa bao giờ các doanh trại quân đội lại được sưởi ấm tình quân dân đến thế!
Với tinh thần “chống dịch
như chống giặc”, cả hệ thống chính trị của Việt Nam đã cùng vào cuôc để chung
tay bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng,
Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân cả nước không chỉ đóng góp công
sức mà còn tích cực đóng góp tiền bạc, vật chất cho công tác phòng, chống dịch.
Ở nhiều nơi trên khắp đất nước đã hình thành các ATM đặc biệt như ATM gạo, ATM
mì, ATM khẩu trang và nhiều của hàng 0 đồng. Nhiều người dân, trong đó có cả những
ca sĩ, người mẫu vốn chỉ quen ánh đèn sân khấu nhưng cũng đã chung tay phát đồ
ăn, nhu yếu phẩm miễn phí cho nhân dân vùng dịch. Đã có nhiều bếp ăn từ thiện
được mọc lên khắp nơi để lan tỏa tinh thần yêu thương, sẻ chia, tình đoàn kết của
nhân dân Việt Nam. Hiếm có một đất nước nào mà có sự tham gia đông đảo, đầy
trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến chống
covid-19 như Việt Nam.
Biểu tượng cao đẹp nhất
cho tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch là
Quỹ Vaccine. Quỹ được thành lập ngày 26/5/2021 để tiếp nhận, quản lý, sử dụng
các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua,
nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vacccine
phòng, chống Covi-19 cho nhân dân.
Ngay khi vừa thành lập,
Quỹ Vaccine đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân
trong cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn,
Quỹ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn không chỉ của các cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp, tập đoàn... mà còn của các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhiều
em nhỏ, nhiều cụ già, cán bộ hưu trí và đông đảo kiều bào ở nước ngoài. Cho đến
nay, Quỹ Vaccine đã tiếp nhận được 8.000 tỉ đồng số tiền đóng góp của các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước. Số tiền mà các tổ chức, cá nhân đóng góp
không chỉ có giá trị vật chất mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia, cộng
đồng trách nhiệm của nhân dân với Đảng và Chính phủ. Điều đó giúp cho Việt Nam
tiếp tục được thế giới đánh giá cao trong việc phát huy được sức mạnh của cả
dân tộc trong cuôc chiến chống đại dịch.
Cuộc chiến chống Covid-19 phía trước còn rất nhiều cam go với sự xuất hiện của nhiều ổ dịch mới, với những biến thể có tốc độ lây lan mạnh. Điều đó tiếp tục gây nên những khó khăn rất lớn cho Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, với tinh thần đại đoàn kết, sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục được nhân lên và trở thành động lực to lớn để nhân dân ta vượt qua những khó khăn, thử thách. Hơn bao giờ hết, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc đã được Đảng, Chính phủ kế thừa và phát huy có hiệu quả trong cuộc chiến chống đại dịch./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét