Thứ nhất, phải có
phẩm chất đạo đức, phương pháp làm việc khoa học.
Theo Hồ Chí Minh, để phụng
sự Tổ quốc, đoàn thể, giai cấp, nhân dân ngày càng tốt hơn thì mọi cán bộ, đảng
viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: “Anh em viên chức bây giờ
phải có 4 đức tính là: Cần, kiệm, liêm, chính”. Bởi vì, người cán bộ, đảng
viên làm việc công, tiêu tiền công, lại có ít nhiều quyền hành nếu không có ý
thức, thái độ và trách nhiệm cao, không có tính tiên phong gương mẫu, không vượt
lên được chính bản thân mình, không biết tiết kiệm, lại còn tiêu xài phung phí
của công thì rất dễ hủ bại, tha hóa.
Người chỉ rõ: “Cán bộ thi
đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân. Một
dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về
tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng
viên phải chịu khó, chăm chỉ trong công việc được giao, làm việc phải có tổ chức
thì mới đạt kết quả cao nhất; thực hiện công việc phải có chương trình, kế hoạch
cụ thể; làm việc phải bảo đảm thời gian theo quy định, không được lấy thời gian
làm việc công để làm việc tư: “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết
làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”.
Thứ hai, phải chủ
động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao.
Để nêu cao ý thức tinh thần,
trách nhiệm đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải luôn chủ động trong thực thi
công vụ, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện, hoàn cảnh,
kể cả khi gặp khó khăn, trở ngại. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng
viên phải năng động, sáng tạo, tự động thực hiện công việc phù hợp với
tình hình, hoàn cảnh cụ thể, nhưng không tự tiện: “Có mắt ta phải trông, có óc
ta phải nghĩ, có tay ta phải làm chứ”.
Để nêu cao tinh thần,
trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao thì phải hăng hái, làm việc phải
khoa học, có chương trình, kế hoạch cụ thể từ phương hướng hành động, kết quả
và hậu quả ra sao để có biện pháp phòng tránh; không làm việc một cách thụ động,
thiếu trách nhiệm, không khoa học, không có nền nếp. Người chỉ rõ: “... có hăng
hái. Nhưng hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng”.
Thứ ba, phải có
tinh thần và trách nhiệm cao đối với tự phê bình và phê bình; phát huy ưu điểm,
sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất
kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh
thần trách nhiệm”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, theo Người, cán bộ, đảng
viên phải có tinh thần tự chỉ trích, tự phê bình. Từ đó, Người chỉ rõ, muốn tiến
bộ, muốn không bị thụt lùi thì cán bộ, đảng viên phải không ngừng tiến lên, phải
biết rút kinh nghiệm để khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế, phải biết tự
chỉ trích để không ngừng tiến bộ, phát triển và mạnh lên: “Muốn được thích hợp
với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác ta cần phải nhận thức và tự
giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm
sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi
ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa
đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn
thái độ ‘xong việc thì thôi’. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì
không bao giờ tấn tới được”.
Thứ tư, phải có
tinh thần cầu thị, có chí tiến thủ, khiêm tốn, không kiêu ngạo.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước
khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng
thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào”. “Mỗi một đồng chí ta phải có
thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu
tiến bộ... Tự mãn, tự tức là co mình lại, không cho mình tiến bộ
thêm”. Trong Bài nói chuyện tại Lễ Tốt nghiệp Khóa V, Trường Huấn luyện
cán bộ Việt Nam, Người nói: “... anh em phải siêng năng, tiết kiệm, phải
có thái độ khiêm nhường, chớ kiêu ngạo. Nếu anh em nhớ được tất cả những điều
đó thì không lo gì không tiến bộ được dễ dàng và các công việc của Chính phủ và
Đoàn thể giao cho anh em sẽ làm thành công được rực rỡ”.
Hồ Chí Minh cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thấy được những hạn chế của mình để sửa chữa, khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; phải thực sự cầu thị, luôn có chí tiến thủ, tinh thần cầu tiến bộ. “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét