Hồ Chí Minh khẳng định “bệnh
quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Cán bộ, đảng
viên đặc biệt là những người lãnh đạo nào mắc phải bệnh này thì “có mắt mà
không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ
luật mà không nắm vững”. Bệnh quan liêu không chỉ là sự sai lầm về tác phong,
phương pháp công tác mà xét về bản chất là sự tha hóa quyền lực của cơ quan
công quyền, là hệ quả của sự suy thoái lập trường tư tưởng, chính trị, đạo đức
cách mạng.
Hồ Chí Minh chỉ ra những
biểu hiện cụ thể của bệnh quan liêu: chỉ đạo xa rời thực tế, xa quần chúng; áp
dụng phương pháp mệnh lệnh hành chính; chỉ biết hô hào khẩu hiệu chỉ thị, xem
báo cáo, làm việc qua loa; lời nói không đi đôi với việc làm; chủ quan, tự mãn,
coi thường quần chúng… Cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu “Miệng thì nói dân
chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói
"phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần
chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Quan liêu, xa rời, không
yêu thương nhân dân tất yếu dẫn đến và làm cho căn bệnh vô cảm trước nhân dân của
cán bộ, đảng viên càng ngày càng trầm trọng. Người nhiều lần phê phán thái độ
thờ ơ, tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước những khó khăn,
bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân, thấy việc có lợi cho dân
không dám làm, việc có hại cho dân vẫn làm ngơ, không giải quyết hoặc đùn đẩy
trách nhiệm. Bên cạnh đó, là khuynh hướng lãnh đạo cứng nhắc, trì trệ, thụ động;
bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, gây phiền phức, nhũng nhiễu dân
chúng. Với những cán bộ, đảng viên mắc bệnh vô cảm, họ thờ ơ với việc chung,
“chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí”, “không phê
bình, không tự phê bình”, “sao cũng mặc kệ, sao cho xong chuyện thì thôi”. Đó
là sự “ươn hèn yếu ớt” trước sai lầm, khuyết điểm của Đảng và Người gọi đó là
“bọn thứ ba” mà hậu quả tai hại dẫn đến “để cho bọn vu vơ có thể chui vào hoạt
động trong Đảng. Nó để cho khuyết điểm ngày càng chồng chất lại và phát triển
ra”. Nguy hại nhất của tệ quan liêu, bệnh vô cảm “đã ấp ủ, dung túng, che chở
cho nạn tham ô, lãng phí”; là “nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí”.
Với tác hại to lớn như vậy,
Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên “Ai không mắc bệnh quan liêu thì phải giữ
gìn, tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng mà chữa cho khỏi đi, cho xứng
đáng là người cán bộ cách mạng, chớ để bị đào thải”. Để chữa bệnh, Người đã kê
ra một “đơn thuốc” với “cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc
là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là: Đặt lợi ích nhân
dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Việc gì cũng bàn với nhân
dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự
phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;
Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính,
để nhân dân noi theo”. Bản thân Hồ Chí Minh là mẫu mực của lãnh tụ
thương dân, gần dân, hiểu dân, kính dân, trọng dân, một người trọn đời thực hiện
nhất quán nguyên tắc “theo đúng đường lối nhân dân”.
Để chống bệnh quan liêu, xa dân, Người còn căn dặn: phải đồng tâm hiệp lực phải kiên trì, quyết tâm chống đến cùng, phải làm có tổ chức, làm từ trên xuống dưới. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương và chỉ đạo thực hiện xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, hoạt động theo tinh thần “chú trọng thực tế, nỗ lực làm việc, phụng sự nhân dân”. Bên cạnh giáo dục tư tưởng, rèn luyện đạo đức, khuyến khích cán bộ, đảng viên tận tụy phục vụ nhân dân, phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, thực hành kỷ luật nghiêm minh, xử lý bằng pháp luật đối với những người vi phạm; phải phát động tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu… làm cho nó hết chỗ ẩn nấp. Đồng thời phải “khéo kiểm soát”, bởi “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Song, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm. Hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét