Thứ Ba, 26 tháng 12, 2023

PHÂN BIỆT CÔNG TÁC DÂN TỘC VÀ CÔNG TÁC DÂN VẬN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY?

Công tác dân tộc và công tác dân vận là hai khái niệm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng không đồng nhất. Dân vận là khái niệm chỉ công tác vận động nhân dân tham gia làm cách mạng, hay còn gọi là công tác vận động quần chúng. Công tác dân vận là tổng thể các hoạt động có mục đích, tổ chức vận động nhân dân tham gia làm cách mạng, bao gồm cả tuyên truyền, giảng giải, thuyết phục, hướng dẫn, tổ chức; vừa là phong trào xã hội, từ thi đua yêu nước, vận động đoàn kết, vừa là công tác thực tế hằng ngày. Thực chất nhằm làm cho mọi người dân trưởng thành cả ý thức dân chủ và năng lực làm chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhà nước, xây dựng các tổ chức, đoàn thể của mình; chấp hành và tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. “Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.”[1]  

Đối tượng của công tác dân vận là mọi tầng lớp nhân dân, đối tượng chủ yếu của công tác dân tộc đồng bào các dân tộc thiểu số. Như vậy, đồng bào các dân tộc thiểu số là đối tượng chung của công tác dân tộc và công tác dân vận. Mục đích của công tác dân vận nhằm “củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.”[2]. Mục đích công tác dân tộc vừa thực hiện mục đích công tác dân vận chung, mà còn nhằm trực tiếp hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước thực hiện sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trên tất cả các lĩnh vực giữa các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Tuy có mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ riêng, nhưng trong quá trình thực hiện, công tác dân tộc và công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu có sự đan xen, hỗ trợ lẫn nhau. Công tác dân vận được xác định là một biện pháp, phương thức cơ bản, chủ yếu của công tác dân tộc, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số, mà còn nhằm hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từng bước thực hiện sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trên tất cả các lĩnh vực giữa các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Ngược lại, công tác dân tộc tiến hành có chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận.



[1] Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới

[2] Nghị quyết Số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét