Hiện nay, công tác dân tộc phải
tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:
Một là, công tác dân tộc
phải
tuân theo nguyên tắc “Bảo đảm các
dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”[1].
Bình
đẳng giữa các dân tộc là quyền ngang nhau của các dân tộc, không phân biệt dân
tộc đó là đa số hay thiểu số, trình độ văn hóa, dân trí cao hay thấp, là bình
đẳng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và được bảo đảm bằng
pháp luật. Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, dàn đều, mà thể hiện ở khâu
phân phối tư liệu sản xuất và phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện
cho mọi người, mọi cộng đồng, dân tộc có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng
lực, tiềm năng, thế mạnh của mình. Bình đẳng là cơ sở, tiền đề để các dân tộc
trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thực hiện đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau
cùng phát triển; đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển là động lực
thúc đẩy quá trình hiện thực hóa sự bình đẳng giữa các dân tộc ở nước ta.
Hai
là, đảm bảo và thực hiện
chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh
thần của đồng bào dân tộc thiểu số. “Các
chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc miền
núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế,
tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số.”[2] Theo đó, phải phát triển toàn diện chính
trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc
và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện
tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo
xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản
sắc văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung
của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất.
Ba
là, đảm bảo
việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập
quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc. Quá trình thực hiện công tác dân tộc đòi hỏi các chủ thể phải giữ gìn và phát huy
những giá trị này, coi đây vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế -
xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc
gia. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số
phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy
cơ bị biến dạng văn hóa cao. Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong
phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền
thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa
mới; góp phần giảm
dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc,
gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.
Bốn
là, các dân tộc có trách nhiệm tôn trọng phong tục, tập quán của
nhau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việt
Nam là quốc gia đa dân tộc, có nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, mỗi dân
tộc có phong tục, tập quán riêng, đòi hỏi các dân tộc trong quá trình thực hiện
công tác dân tộc, phải có trách nhiệm tôn trọng phong tục, tập quán của nhau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện nguyên tắc này, dưới góc độ quản
lý nhà nước, các chủ thể cần có chủ trương, biện pháp hiệu quả trong đẩy mạnh
công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường
đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy
nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoà nhập phát triển cùng với đất nước.[3]
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam
(2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, tr.170-171.
[2] Kết luận Số 65-KL/TW ngày
30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về
tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới
[3] Xin xem Nghị định Số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét