Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM CÓ NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN NÀO?

Cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam có những đặc điểm cơ bản sau:

Một là, Việt Nam là quốc gia đa tộc người; có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, xây dựng cộng đồng dân tộc thống nhất. Việt Nam có 54 tộc người, theo 4 ngữ hệ chính: Nam Á, Nam Đảo, Thái, Hán Tạng. Các dân tộc trên đất nước ta có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, mở rộng và nâng cao. Tính thống nhất quốc gia đa tộc người được thể hiện trên mọi lĩnh vực đời sống của quốc gia dân tộc. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cách mạng, các dân tộc trên đất nước ta đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết; là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.

Hai là, các dân tộc cư trú đan xen. Do điều kiện tự nhiên, lịch sử chi phối, nhiều tộc người cư trú đan xen trong phạm vi của tỉnh, huyện, xã và cả các ấp, bản, mường, được phân chia thành 05 vùng lớn: đồng bằng trung du là địa bàn cư trú của các tộc người Kinh, Hoa, Chăm, Khơme; vùng núi phía Bắc - Đông Bắc là địa bàn cư trú của tộc người  Tày, Nùng; vùng Tây Bắc là địa bàn cư trú chủ yếu của người  Thái - Hmông, Mường; vùng Trường Sơn Tây Nguyên là địa bàn cư trú của các tộc người ngôn ngữ Nam á, Nam Đảo; vùng Tây Nam Bộ là địa bàn cư trú chủ yếu của tộc người Khơme, Mạ. Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu ở  các vùng rừng núi, biên giới, có vị trí chiến lược về mọi mặt. Hầu hết, các tộc người thiểu số nước ta có bộ phận đồng tộc ở nước láng giềng, duy trì quan hệ dòng họ, thân tộc hai bên biên giới. Ở Việt Nam không có dân tộc nào có lãnh thổ riêng.

Ba là, các dân tộc có dân số và trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều. Năm 2019, dân tộc Kinh chiếm 85,3%, 53 tộc người thiểu số chiếm 14,7% dân số cả nước, trong đó có 6 dân tộc (Tày, Thái, Mường, Khmer, Nùng và Mông) có dân số trên 1 triệu người, 15 dân tộc  (Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ) có dân số dưới 10.000 người, trong đó có 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu. Những năm gần đây, nhờ có chính sách khắc phục tình trạng suy giảm dân số đối với một số dân tộc thiểu số rất ít người, nên dân số của các dân tộc này đã tăng lên. Qua hơn 35 năm đổi mới, mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, nhưng do nhiều nguyên nhân, các dân tộc thiểu số ở nước ta có trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, chênh lệch với dân tộc đa số vẫn còn lớn.  

Bốn là, các dân tộc có ngôn ngữ và bản sắc văn hóa riêng, tạo dựng nên một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, thống nhất, đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc văn hóa tộc người độc đáo, giàu sức sống.Tuy nhiên, do chung điều kiện tự nhiên lớn, chung lịch sử, chung vận mệnh dân tộc và lợi ích quốc gia dân tộc, nên các tộc người cùng nhau sáng tạo nên những giá trị văn hoá chung thống nhất: Mang đậm bản sắc văn hóa nông nghiệp miền nhiệt đới gió mùa dựa trên nền tảng trồng trọt là chính; ứng xử với môi trường sống; truyền thống đoàn kết, cố kết cộng đồng; tinh thần yêu nước; lối sống nhân ái, khoan dung; tinh thần cần cù, kiên cường bất khuất. Các tộc người đều sử dụng song ngữ hay đa ngữ, nhưng đều lấy tiếng Việt làm phương tiện giao tiếp của cả dân tộc - quốc ngữ của dân tộc Việt Nam.

Năm là, các dân tộc thiểu số có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số giữ tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy đa thần, vạn vật hữu linh và thờ cúng theo phong tục tập quán truyền thống. Theo thời gian, các tôn giáo thâm nhập vào vùng dân tộc thiểu số, tạo nên các cộng đồng tộc người - tôn giáo khác nhau ở các vùng dân tộc thiểu số trong cả nước. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét