Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở VIỆT NAM LÀ GÌ?

Thực hiện chính sách dân tộc ở Việt Nam là tổng thể hoạt động của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc để hiện thực hóa chính sách dân tộc vào cuộc sống, vừa nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của đồng bào các dân tộc, giải quyết các vấn đề dân tộc; vừa phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực chất thực hiện chính sách dân tộc sự phân công và phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị có liên quan trong hệ thống chính trị và của đối tượng thụ hưởng chính sách, được tiến hành trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các quan hệ dân tộc, nhằm làm cho mục tiêu, nội dung chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trở thành hiện thực trong đời sống.

Thực hiện chính sách dân tộc là một giai đoạn của chu trình chính sách dân tộc, từ khâu hướng dẫn, thông tin, phân công trách nhiệm, chuẩn bị các điều kiện nguồn lực tài chính, nhân lực cần thiết bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ yêu cầu quy định trong chính sách dân tộc.

Chủ thể thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị các cấp, đồng bào các dân tộc. Chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng là chủ thể trực tiếp. Đồng bào các dân tộc vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện chính sách dân tộc.

Nội dung, nhiệm vụ  chủ yếu của thực hiện chính sách dân tộc là: Giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và các lực lượng về mục tiêu, yêu cầu, nội dung chính sách dân tộc; tổ chức hoạt động thực tiễn trên các lĩnh vực, dưới dạng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án hỗ trợ các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn ở cơ sở; giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách; đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét