Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

CÔNG TÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO?

Công tác dân tộc ở nước ta là tổng thể hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ của các chủ thể, nhằm tác động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số  bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đảng ta xác định: “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị.”[1]

Mục đích công tác dân tộctác động và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số cùng phát triển; đồng thời, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng của đất nước.  

Chủ thể lãnh đạo công tác dân tộc. Trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo toàn diện công tác dân tộc. Ở các địa phương, các cơ quan, đơn vị là các cấp ủy, tổ chức đảng.  

Chủ thể quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Nhà nước thống nhất quản lý về công tác dân tộc; Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác dân tộc theo quy định của pháp luật. Ủy ban Dân tộc là cơ quan thực hiện chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước.   

Chủ thể thực hiện công tác dân tộc: Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ủy ban nhân dân các cấp vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa có trách nhiệm tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc; cơ quan dân tộc ở các địa phương vừa có nhiệm vụ tham mưu cho ủy ban nhân dân, vừa chủ trì phối hợp với các ban ngành đoàn thể ở địa phương tiến hành công tác dân tộc.

Các chủ thể tham gia thực hiện công tác dân tộc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp từ Trung ương đến địa phương, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân...tổ chức thực hiện và tham gia thực hiện công tác dân tộc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở từng địa phương.



[1] Ban Chấp hàng Trung ương, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác dân tộc 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét