Chính sách dân tộc ở Việt Nam
là toàn bộ những chủ trương, biện
pháp của Đảng, Nhà nước tác động vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của các
dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, đối với từng dân tộc riêng biệt, nhằm
thay đổi tình trạng lạc hậu, biệt lập, phân biệt, bất bình đẳng, hướng tới sự bình
đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển giữa các dân tộc; phát huy
vai trò của đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa.
Chính
sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được thể
hiện trong một chỉnh thể thống nhất giữa đường lối, quan điểm của Đảng và chính
sách, pháp luật của Nhà nước đối với dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc.
Trong đó, đường lối, quan điểm của Đảng là cơ sở, nền tảng, quy định mục tiêu,
phương hướng, nội dung, hình thức của các chính sách, pháp luật về dân tộc của
Nhà nước; đồng thời, chính sách, pháp luật về dân tộc của Nhà nước là công cụ,
phương tiện quan trọng nhất để thể chế hoá, hiện thực hoá các quan điểm giải
quyết vấn đề
dân tộc của Đảng trong thực tiễn.
Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là một bộ phận của chính sách chung, qui định việc xử lý vấn đề dân tộc
và cách thức thực hiện công tác dân tộc. Chính sách dân tộc cũng là chính sách phát triển nhằm
phát triển về kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc và vùng dân tộc, hướng tới
mục tiêu các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát
triển.
Đối tượng thụ hưởng chính sách dân tộc không chỉ là đồng
bào các dân tộc thiểu số, mà còn là vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm
cả dân tộc đa số sinh sống trong vùng. Chính sách dân tộc được đặt trong mối
quan hệ với chiến lược phân bổ các nguồn lực của cả quốc gia; thể hiện rất đậm
nét mối quan hệ giữa những nhiệm vụ chung của quốc gia với sự phát triển đặc
thù của tộc người, giữa những đòi hỏi đảm bảo tính thống nhất của cả nước với sự
phát triển đa dạng của địa phương, quan hệ giữa miền núi và miền xuôi, giữa
thành thị và nông thôn.
Nguyên tắc, nội dung cơ bản chỉ đạo
việc xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta hiện nay là: “Thực hiện
chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo
mọi điều kiện để các dân tộc phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển
chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn
ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân
tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và
các dận tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”[1]
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.2011, tr .81.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét