Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Lịch sử cư trú của các tộc người ở nước ta

Lịch sử cư trú của 54 tộc người nước ta được chia thành 2 nhóm: nhóm các tộc người tại chỗ (bản địa) và nhóm các tộc người thiên di đến Việt Nam.
- Các tộc ng­ười tại chỗ là những tộc người đã cư trú từ thời cổ đại ở Việt Nam, có quá trình phát triển liên tục từ thời kỳ đồ đá mới cách đây 4-5 nghìn năm đến nay. Các tộc người tại chỗ nước ta thuộc ba nhóm ngôn ngữ: Việt - Mường, Môn - Khơme và Nam Đảo. Đồng bào cư­ trú từ Bắc Bộ vào đến Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Nhóm ngôn ngữ Việt - M­ường gồm: Việt, Mường, Thổ, Chứt. Nhóm này là những cư dân tại chỗ lâu đời có vai trò quan trọng bậc nhất ở Việt Nam. Người Việt - Mường cổ là chủ nhân của nền văn hóa Đông Sơn thế kỷ thứ VII tr.CN, giữ vai trò chủ đạo thành lập nên nhà nước Văn Lang thời Hùng vương.
Nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme gồm: Ba-na, Xơ-đăng, Cơ-ho, Hrê, Mnông, Xtiêng, Bru - Vân Kiều, Cơ-tu, Khơ-mú, Tà-ôi, Mạ, Co, Giẻ-Triêng, Xinh-mun, Chơ-ro, Mảng, Kháng, Ơ-đu. Nhóm Môn - Khơme phía Bắc có các tộc người: Kháng, Khơ-mú, Mảng, Xinh-mun là chủ thể miền núi Tây Bắc, Bắc Trung Bộ. Hầu hết các dân tộc phân bố ở Tây Nguyên là cư dân tại chỗ như: Ba-na, Xtiêng, Mạ, Mnông, Chơ-ro…
Nhóm ngôn ngữ Nam Đảo gồm: Gia-rai, Ê-đê, Chăm, Ra-glai, Chu-ru. Họ là chủ nhân lâu đời ở Tây Nguyên và vùng Nam Trung Bộ.
Các tộc người tại chỗ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme và Nam Đảo đều có mặt ở Tây Nguyên từ thời kỳ đồ đá mới cách đây 4-5 nghìn năm.
Ngoài ra, các tộc người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc vừa được coi là cư dân tại chỗ nước ta vừa là cộng đồng thiên di đến. Bởi vào thế kỷ thứ III tr.CN, ở lưu vực sông Cầu, sông Thương, sông Hồng, nước Âu Lạc ra đời với vị thủ lĩnh của người Âu Việt (Tày, Nùng cổ) là An Dương Vương Thục Phán (tiếng Tày - Nùng là Túc Phằn) trên cơ sở thống nhất hai bộ phận cư dân Lạc Việt và Âu Việt. Từ thế kỷ XIII, các nhóm Nùng ở Trung Quốc không chịu nổi chính sách phân biệt đối xử của các triều đại phong kiến đã từng đợt di cư vào Việt Nam, hội nhập với các nhóm Tày và Thái có mặt từ trước.
- Các tộc ng­ười di c­ư vào Việt Nam tập trung trong các nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, Hmông - Dao, Hán - Tạng.
Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái gồm: Tày, Thái, Nùng, Sán chay, Lào, Lự, Giáy, Bố Y. Họ là các tộc người tại chỗ ở Nam Trung Quốc và Bắc Lào. Hầu hết, các dân tộc này di cư vào nước ta làm nhiều đợt theo hai hướng từ phía Bắc xuống và từ phía Tây sang.
Nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao gồm: Hmông, Dao, Pà Thẻn đều di cư từ Nam Trung Quốc vào Việt Nam khoảng từ thế kỷ XII đến nửa đầu thế kỷ XX.
Nhóm ngôn ngữ Hán - Tạng gồm: Hoa (Hán), Sán Dìu, Ngái, Hà Nhì, Phù Lá, La Hủ, Lô Lô, Cống, Si La. Hầu hết các tộc người này đều thiên di từ phía Bắc vào Việt Nam.
Ngoài ra, có 3 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme là: Khơ-me, Brâu, Rơ-măm đã di cư đến Việt Nam. Người Brâu có tổ tiên ở Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Họ di cư đến nước ta khoảng 5 - 6 đời nay. Người Khơ-me có mặt sớm nhất ở vùng Tây Nam Bộ nước ta kể từ thế kỷ VII sau CN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét