Quá
trình tộc người có hai xu hướng cơ bản, mang tính quy luật là:
1) Xu hướng liên hợp – là xu hướng các tộc người liên kết, hợp
nhất lại để tạo thành cộng đồng người lớn hơn. Xu hướng này đặc trưng cho sự
phát triển lớn mạnh của các tộc người, phản ánh quy luật khách quan
tồn tại, phát triển của các tộc người trong quá trình lịch sử, thúc đẩy hình
thành các quốc gia đa tộc người. Xu hướng này có 3 hình thức:
Cố kết là quá trình hợp
nhất các nhóm người, tộc người có quan hệ gần gũi với nhau về nguồn gốc, về
tiếng nói, văn hóa để hình thành một cộng đồng người lớn hơn, thành các quốc
gia.
Hòa hợp là sự xích lại gần
nhau, giao lưu gắn bó giữa các tộc người
tuy khác nhau về nguồn gốc lịch sử, ngôn ngữ, bản sắc văn hóa, song do có nhiều mối liên
hệ chung, cùng sinh sống đan xen hoặc gần nhau, tương đồng về môi trường sinh
thái, địa - kinh tế, địa - chính trị... để đi đến thành lập nên cộng đồng lớn
hơn.
Đồng hóa là quá trình tộc
người này bị “hòa tan” vào tộc người khác, đánh mất bản sắc văn hóa của mình
khi giao lưu, tiếp xúc tộc người.
Có đồng hóa tự nhiên
và đồng hóa cưỡng bức. Đồng hóa tự nhiên là, trong quá trình tiếp xúc, hội nhập,
tộc người có trình độ kinh tế - xã hội thấp hơn, dân số ít hơn, đã tự nguyện hòa nhập vào cộng đồng tộc người có
trình độ kinh tế - xã hội cao hơn, dân số đông hơn. Đồng hóa cưỡng bức là quá trình tộc người mạnh hơn, giữ địa vị thống
trị (thông qua giao lưu, xâm lược, nô dịch tộc
người) đã dùng công cụ hành chính và bạo lực để áp đặt các giá trị
văn hóa của mình, bắt buộc các tộc người yếu thế hoặc bị trị phải từ bỏ bản sắc tộc người để hòa tan vào tộc người thống trị.
2) Xu hướng phân tách - là xu hướng từ một cộng đồng tộc người
ban đầu, do điều kiện lịch sử - cụ thể mà đi đến chia tách thành các bộ phận, các nhóm phân tán; đến một lúc nào
đó trở thành các tộc người độc lập hoặc đi đến thành lập các quốc gia
khác nhau. Sự phân tách có
thể do sự phát triển của các tộc người có dân số ngày càng lớn, phải tách ra,
di cư đến vùng đất mới, nhưng thường là do bị áp bức và nô dịch dân tộc.
Xu hướng phân tách
diễn ra mạnh mẽ vào thời nguyên thủy với sự phân tách của các thị tộc, bộ lạc. Trong xã hội có
giai cấp, quá trình phân tách vẫn tiếp diễn, một số tộc người có số dân ít,
trình độ kinh tế - xã hội thấp, trước áp lực cạnh tranh của các tộc
người lớn, mạnh hơn, phải phân tán đi các nơi. Đến thời kỳ tư bản chủ nghĩa và đế
quốc chủ nghĩa, sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917, sau thế chiến thứ II năm 1945,
ý thức dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc ngày càng được thức
tỉnh dẫn đến phong trào đấu tranh
giải phóng dân tộc phát triển rộng khắp, hàng loạt các quốc gia mới được thành
lập.
Trong
thời hiện đại, do những lý do kinh tế, chính trị, xã hội, và với sự thức tỉnh ý
thức tộc người, dân tộc, một số tộc người có xu hướng tách khỏi quốc gia dân tộc để hình thành
quốc gia độc lập. Xu hướng này nổi lên mấy thập kỷ gần đây, đang là một vấn
đề chính trị - xã hội phức tạp ở
nhiều quốc gia, khu vực. Nhiều quốc gia mới
được thành lập, song nhiều quốc gia đang đứng trước nguy cơ phân tách ở
các châu lục, như ở Ucraina, Xyri, Libi...
Hiện cả hai xu hướng vẫn song song
tồn tại, biểu hiện dưới các cấp độ và hình thức khác nhau. Tùy từng điều kiện
lịch sử - cụ thể mà xu hướng nào nổi trội, song khuynh hướng liên hợp vẫn là
chủ đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét