Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Quá trình tộc người là gì

Quá trình tộc người là quá trình vận động, biến đổi của tộc người trong những điều kiện lịch sử - cụ thể và trong toàn bộ tiến trình lịch sử trước sự tác động của các yếu tố tự nhiên và các nhân tố xã hội.
Đây là quá trình ra đời, tồn tại, biến đổi và phát triển của từng tộc người trong những điều kiện lịch sử - cụ thể ở từng thời kỳ, từng giai đoạn và trong toàn bộ tiến trình lịch sử tộc người. Bất cứ tộc người nào tồn tại đến nay đều có quá trình tộc người với những thăng trầm mang nhiều nét đặc trưng riêng của họ. Nói một cách khái quát, quá trình tộc người chính là lịch sử tộc người.
Quá trình tộc người được xem xét trong các mối quan hệ và liên hệ nội bộ tộc người, trong mối quan hệ giữa các tộc người và quan hệ giữa các quốc gia dân tộc trên các lĩnh vực. Quá trình tộc người diễn ra khác nhau ở các tộc người do những điều kiện lịch sử - cụ thể chi phối trước sự tác động của yếu tố tự nhiên và các nhân tố xã hội.
Điều kiện tự nhiên nơi cư trú thuận lợi sẽ tác động tích cực đến sự phát triển lớn mạnh của tộc người, đến đặc điểm cư trú, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, bản sắc văn hóa tộc người. Ngược lại, khi điều kiện tự nhiên nơi cư trú không thuận lợi, nhiều tộc người đã lâm vào tình trạng trì trệ, chậm phát triển, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, sinh sống phân tán, du canh du cư, hoặc thiên di đến lãnh thổ khác.

Quá trình tộc người còn chịu ảnh hưởng lớn của các nhân tố lịch sử - xã hội. Ở xã hội có giai cấp, các cuộc chiến tranh, đấu tranh giai cấp, tình trạng nô dịch và áp bức dân tộc, chính sách dân tộc của các nhà nước cầm quyền,… sẽ thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển tộc người, thậm chí phá vỡ cộng đồng tộc người, đưa tộc người đến chỗ diệt vong. Mặt khác, mối quan hệ trên các lĩnh vực giữa các tộc người, các quốc gia dân tộc ngày càng đa dạng, phức tạp. Các quan hệ đó đến lượt nó lại có vai trò thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển của các tộc người, các quốc gia. Chẳng hạn, quan hệ tộc người trong nước bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau sẽ tạo nên quan hệ tộc người tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển của từng tộc người và quốc gia. Ngược lại, quan hệ tộc người trong nước có sự bất bình đẳng, kỳ thị và phân biệt sẽ tạo nên các va chạm, hiềm khích, mâu thuẫn và xung đột, không những cản trở mà còn kìm hãm sự phát triển của các tộc người và quốc gia, đẩy các tộc người và quốc gia vào khủng hoảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét