Vấn đề nguồn gốc tộc
người Việt (Kinh) đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả trong và
ngoài nước. Hiện nay, các quan điểm đều thống nhất cho rằng, người Việt là kết
quả hỗn chủng giữa đại chủng Môngôlôit và cư dân thuộc loại hình nhân chủng Anhđônêdiêng
tại chỗ.
Vào thời kỳ đồ đá mới
cách đây 4-5 nghìn năm, qua nghiên cứu nhân chủng di cốt đào được ở các di chỉ
Bình Gia, Làng Cườm (Lạng Sơn) cho thấy rằng, loại hình nhân chủng Anhđônêdiêng
đã cư trú từ lâu ở Việt Nam. Loại hình này là kết quả hỗn chủng lâu dài giữa
tiểu chủng Nam Môngôlôit ở phía Bắc xuống và cư dân tại chỗ thuộc chủng tộc Ôtxtralôit
từ thời kỳ đồ đá giữa sang đầu thời kỳ đồ đá mới (8 - 15.000 năm). Họ là chủ
nhân của các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn... ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt
Nam.
Đến thời đại đồ đồng,
cách đây khoảng 3,5-4 nghìn năm, các di cốt của loại hình nhân chủng Nam Á cổ
đã xuất hiện ở Bắc Việt Nam và là tổ tiên trực tiếp của người Việt. Từ các di
chỉ khảo cổ cho thấy, hình dáng người Việt cổ bấy giờ đã khá điển hình cho
người Việt hiện nay. Qua đo đạc các di cốt hóa thạch tìm được, các nhà khoa học
kết luận, loại hình Nam Á cổ (Việt cổ) là kết quả chuyển biến hình thái của cư
dân Anhđônêdiêng tại chỗ, song không phải là quá trình tự động tiến hóa mà bao
gồm nhiều giai đoạn, khi thì mang tính nội tại, khi thì pha trộn nhiều yếu tố
nhân chủng; và là kết quả hỗn chủng giữa tiểu chủng Nam Môngôlôit ở phía Bắc di cư
xuống với người Anhđônêdiêng đã cư trú lâu dài trước đó. Từ Bắc Đông Dương,
loại hình Nam Á cổ tiếp tục phát triển và tác động ngày một sâu đậm ra xung
quanh tới tận các vùng hải đảo Đông Nam Á.
Như vậy, người Việt cổ là kết quả hỗn chủng hàng nghìn năm
của nhiều loại hình nhân chủng với yếu tố chủng tộc Môngôlôit ngày càng vượt
trội. Vào thời đại đồ đồng thau, người Việt cổ đã cư trú ổn định ở Bắc Việt Nam,
đã sáng tạo ra văn minh Sông Hồng, Sông Mã với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng,
tạo dựng nền móng vững chắc cho quốc gia dân tộc Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét