Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Lịch sử tộc người trên thế giới đã trải qua các hình thái hôn nhân nào

Chế độ hôn nhân trong lịch sử loài người thường gắn liền với quá trình lịch sử tộc người, gồm các hình thái hôn nhân sau đây:
Tạp hôn - loại hình hôn nhân chưa có sự chi phối và sự ràng buộc bởi quy định của xã hội, diễn ra vào thời kỳ bầy người nguyên thủy đang trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người; loại hình hôn nhân này không phân biệt giữa những người cùng huyết thống hay khác thế hệ, đồng thời thừa nhận chế độ nhiều chồng (đa phu) và chế độ nhiều vợ (đa thê).
Quần hôn - hình thái hôn nhân đặc trưng trong xã hội nguyên thủy thời kỳ thị tộc mẫu hệ, là sự chung sống giới tính trong một thời gian nào đó hoặc thường xuyên của những cặp trai gái thuộc cùng một lứa tuổi của những thị tộc khác nhau. Con cái sinh ra chỉ biết mẹ mà không xác định được người cha.  Quần hôn còn tồn tại dưới dạng tàn dư ở một số tộc người trong xã hội về sau.
Chế độ lưỡng hợp ngoại hôn - loại hình hôn nhân ngoại tộc, tức là hôn nhân với người ngoài thị tộc và chỉ được phép trao đổi hôn nhân giữa hai thị tộc. Đây một hình thức quần hôn, tất cả đàn ông của thị tộc này là chồng của đàn bà thuộc thị tộc kia và ngược lại. Chế độ hôn nhân này đặc trưng cho thị tộc suốt thời đại nguyên thủy.
Nội hôn - hình thức hôn nhân trong nội bộ thị tộc hoặc bộ lạc, là hôn nhân trong cùng một dòng họ xảy ra không phổ biến vào thời kỳ thị tộc phụ hệ.
Hôn nhân đối ngẫu - hình thái hôn nhân thời kỳ thị tộc phụ hệ, tính chất quần hôn vẫn rõ nét nhưng diễn ra từng cặp đôi theo nhóm nhỏtheo thế hệ giữa một vài người đàn ông của thị tộc này với vài người phụ nữ của thị tộc lưỡng hợp kia; con cái có thể nhận biết được người cha của mình.  
Chế độ hôn nhân một vợ một chồng - hình thái hôn nhân chỉ cho phép lấy một vợ, một chồng; hình thức hôn nhân hợp pháp duy nhất được tìm thấy trong các xã hội có giai cấp từ cổ đại đến nay. Tuy nhiên, có không ít trường hợp thực hiện chế độ một vợ một chồng nhưng với nhiều người - hết người này đến người kia (có thể cưới nhiều người khác nhau không vào cùng một lúc).
Về tính chất, có các hình thức hôn nhân:
Hôn nhân tự do - hình thức hôn nhân mà nam nữ được tự do tìm đến với nhau để quan hệ giới tính và tự do kết hôn.
Hôn nhân cướp đoạt - hình thức hôn nhân cướp vợ với sự đồng ý hay không đồng ý của người con gái và gia đình, bố mẹ cô ta. Người Hmông ở một số vùng nước ta hiện nay vẫn còn tục “cướp vợ”.
Hôn nhân mua bán - hình thức hôn nhân mà gia đình người chồng phải nộp cho gia đình vợ một số của cải bằng tiền hoặc hiện vật để mua người con gái hoặc con rể. Cùng đặc điểm với hình thức này, có dạng hôn nhân giao dịch - người con trai phải làm việc tại gia đình cô gái một thời gian nhất định, sau đó mới có quyền cưới hỏi cô gái làm vợ. Người Khơ mú ở nước ta vẫn còn tàn dư hôn nhân này.
Hôn nhân cư trú riêng lẻ - hình thức chung sống không thường xuyên của đôi vợ chồng. Vợ và chồng ở hai thị tộc khác nhau, khi lấy nhau, người chồng phải về cư trú bên vợ nhưng chồng không ở trong nhà vợ mà ở tại một nhà gọi là nhà của đàn ông chung trong thị tộc - ngôi nhà dành riêng cho những người thuộc các thị tộc khác về ở rể.
Hôn nhân khách - những người khách có cùng lứa tuổi và cùng thị tộc với chủ nhà thì được phép và có quyền sinh hoạt giới tính với vợ của chủ nhà. Đây là biểu hiện của loại hình quần hôn.
Hôn nhân một vợ một chồng - hình thức trao đổi hôn nhân có tính chung thủy giữa một người nam và một người nữ được cộng đồng, xã hội thừa nhận.
Chế độ hôn nhân đa thê - hình thức hôn nhân cho phép một người đàn ông có thể cưới nhiều vợ. Chế độ này thay đổi tùy theo từng thời kỳ xã hội nhưng với điều kiện là người đàn ông phải có khả năng cấp dưỡng cho các bà vợ cũng như con cái của họ. Chế độ đa thê rất tốn kém.
Chế độ hôn nhân đa phu - hình thức hôn nhân cho phép một người phụ nữ sống chung với người chồng. Thời phong kiến ở Ấn Độ có hình thái này.
Chế độ đa phu anh em ruột - loại hình hôn nhân ở đó một nhóm anh em cưới chung một phụ nữ. Người anh lớn tuổi nhất đóng vai chú rể, tất cả các người anh em này đều bình đẳng trong quan hệ giới tính với người vợ và tất cả đều là cha của những đứa con.
Chế độ đa thê chị em ruột - loại hình hôn nhân mà một người đàn ông được phép cưới các chị em ruột. Về hình thức, nó cũng giống như loại hình hôn nhân đa phu anh em ruột, nhưng trong hệ thống này một nhóm anh em có thể cưới một nhóm chị em.
Hôn nhân con chú, con bác - hôn nhân giữa con trai và con gái, cháu trai và cháu gái của hai người anh em trai có mối quan hệ huyết thống tính theo dòng cha.

Hôn nhân con cô, con cậu - hình thức hôn nhân giữa những người có quan hệ là anh em họ cùng một thế hệ thuộc hai thị tộc có quan hệ hôn nhân với nhau, thường diễn ra theo chiều những người con trai của cô quay trở lại lấy con gái của những người anh em trai với mẹ mình. Các tộc người Khơ mú, Mảng, Kháng, Xinh mun ở Tây Bắc nước ta vẫn ưa thích hình thức này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét