Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Có phải chủ nghĩa tư bản ngày nay đã thay đổi bản chất?

Trước sự điều chỉnh, thích nghi của chủ nghĩa tư bản, trong bối cảnh các nước có chế độ chính trị khác nhau vừa hợp tác, vừa đấu tranh với nhau vì lợi ích quốc gia, dân tộc, một số phần tử lớn tiếng rêu rao rằng: chủ nghĩa tư bản đã thay đổi về chất; phương thức sản xuất tư bản ngày nay không còn hiện tượng người bóc lột người, xã hội tư bản là xã hội tiến bộ nhất trong lịch sử nhân loại mà loài người cần hướng đến. Phải chăng chủ nghĩa tư bản ngày nay đã thay đổi bản chất? Có thể khẳng định rằng, nhận định trên hoàn toàn sai lầm, nhầm lẫn cả về lý luận và thực tiễn.
Nhận định về chủ nghĩa tư bản hiện nay, Đảng ta chỉ rõ: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.”
 Mặc dù có điều chỉnh như thế nào đi nữa, thì bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn không hề thay đổi, vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Sự áp bức, bất công đó thông qua sự thống trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền, của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước. Sự thống trị đó không chỉ đóng khung trong từng quốc gia, dân tộc mà được quốc tế hóa hơn bao giờ hết. Sự áp bức, bóc lột được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng mang tính chất tinh vi hơn trước; hình thức bóc lột cũng luôn có sự thay đổi dựa trên việc áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Sự bóc lột vượt khỏi biên giới quốc gia và được triển khai trên phạm vi quốc tế thông qua nhiều hình thức.
Cho dù có điều chỉnh thích nghi, nhưng những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Mâu thuẫn đó được biểu biện cụ thể ra là mâu thuẫn giữa sản xuất có khả năng vô hạn và tiêu dùng có khả năng thanh toán bị hạn chế, giữa tư bản và người lao động làm thuê, giữa tư bản và tư bản, trong một nước và trên phạm vi quốc tế, giữa các nước tư bản với nhau, giữa các nước tư bản với các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, các mâu thuẫn mới cũng ngày càng thể hiện rõ nét đó là mâu thuẫn giữa sức sản xuất có khả năng phát triển vô hạn với sự giới hạn của các nguồn tài nguyên và môi trường, giữa nhu cầu nhất thể hóa và toàn cầu hóa với lợi ích của từng quốc gia và của toàn bộ cộng đồng các nước, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu khi chuyển đổi cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế.
Như vậy, những giọng điệu tuyên truyền chủ nghĩa tư bản hiện nay thay đổi bản chất không có gì mới và xa lạ đối với chúng ta. Về bản chất chúng vẫn theo những lối mòn cũ muốn phủ định giá trị vĩnh hằng của chủ nghĩa Mác - Lênin, và tạo cảm giác mơ hồ cho những người cộng sản trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng hiện nay.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét