Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

Quá trình ra đời của dân tộc học ở Việt Nam

Ở Việt Nam, dân tộc học hình thành muộn hơn so với thế giới nhưng các tài liệu dân tộc học đã được ghi chép trong nhiều tác phẩm từ thời cổ đại, trung đại; được lưu giữ phong phú, đa dạng trong đời sống sinh hoạt của các tộc người. Tư liệu về các nhóm tộc người bắt đầu được ghi chép từ thế kỷ XV trong các sách địa chí, lịch sử, thần phả, văn bia như: Nguyễn Trãi với Dư địa chí (1435), Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú…
Những nghiên cứu dân tộc học chỉ thực sự được bắt đầu cùng với quá trình xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam. Người Pháp đã chú ý nghiên cứu các tộc người Việt Nam có tính hệ thống. Lập ra cơ quan nghiên cứu Viễn Đông bác cổ, xuất bản Tạp chí Đông Dương. Các nghiên cứu của người Pháp và Việt thời này để lại nhiều tư liệu quý như: Người Mường của Quidiniê; Người Tày Đèng ở Lang Chánh - Thanh Hóa của Rôbe, Các dân tộc ở thượng du Bắc Kỳ, từ Phong Thổ đến Lạng Sơn của Côlani... Tuy nhiên, với mục đích sử dụng dân tộc học làm công cụ phục vụ khai thác thuộc địa nên nhiều công trình còn phiến diện và mang đậm màu sắc thực dân.
Sau năm 1954, ở miền Nam, Mỹ - ngụy tiến hành nghiên cứu về các tộc người thiểu số, tập trung vào các tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm đến công tác dân tộc và nghiên cứu dân tộc học. Ngành dân tộc học mác xít nước ta ra đời từ những năm 1950 với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên môn. Lúc đầu, dân tộc học được gộp chung vào khoa học lịch sử. Năm 1958, Tổ nghiên cứu dân tộc học được thành lập trong Viện Sử học. Năm 1960, Nhóm nghiên cứu, giảng dạy dân tộc học được thành lập trong Tổ Dân tộc học - Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1967, dân tộc học tách ra thành bộ môn riêng thuộc Khoa Lịch sử. Năm 1968, Nhà nước thành lập Viện Dân tộc học, phát hành Tập san Dân tộc học. Năm 1973, giáo trình dân tộc học đầu tiên là Cơ sở Dân tộc học của GS Phan Hữu Dật được xuất bản; đồng thời Tạp chí Dân tộc học ra đời.
Sau năm 1975, ngoài 3 cơ sở đào tạo cử nhân dân tộc học là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, dân tộc học là môn học của nhiều học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Năm 1992, Hội Dân tộc học Việt Nam được thành lập, với cơ quan ngôn luận của là Tạp chí Dân tộc và thời đại. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét