Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Những yếu tố tác động đến sự ra đời cộng đồng dân tộc Việt Nam

Ở Việt Nam, cộng đồng dân tộc ra đời sớm hơn nhiều nước trên thế giới do đặc điểm các hình thái kinh tế - xã hội tiền tư bản của xã hội phương Đông và những điều kiện lịch sử cụ thể nước ta qui định:
Do đặc điểm của các hình thái kinh tế - xã hội trước chủ nghĩa tư bản. Việt Nam không trải qua thời kỳ chiếm hữu nô lệ kiểu phương Tây. Kết thúc thời nguyên thủy, các công xã thị tộc chuyển lên thành công xã nông thôn, có tính tự trị cao. Sở hữu ruộng đất thuộc về công xã (làng xã). Phân hóa xã hội chậm chạp. Nông dân chiếm số lượng chủ yếu. Nhà nước vừa bóc lột vừa quan tâm chức năng xã hội, đã tạo ra sự cố kết cộng đồng quốc gia từ sớm. Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc là thời kỳ thịnh trị của hình thái này.
Từ năm 939, nước ta bước vào thời kỳ phong kiến. Công xã nông thôn vẫn tồn tại phổ biến và có quyền tự trị rất lớn. Sở hữu ruộng đất thuộc về đại bộ phận công xã và chia ruộng cho nông dân. Tư hữu ruộng đất nảy sinh muộn và tăng tiến dần nên mâu thuẫn xã hội không gay gắt. Đất nước không có sự cát cứosphong kiến như ở phương Tây. Nhà nước phong kiến tập quyền ra đời sớm và tiếp tục lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm, lao động sản xuất.
Các đặc trưng kinh tế - xã hội đó đã tạo ra sự cố kết cộng đồng tộc người cả nước, đẩy nhanh quá trình hình thành dân tộc.
Do yêu cầu chinh phục thiên nhiên phát triển nông nghiệp trồng lúa nước. Từ thời bộ tộc Văn Lang đến nay, nước ta là một nước nông nghiệp trồng lúa nước, toàn bộ đời sống xã hội vận hành trên nền tảng nông nghiệp lúa nước.
Nông nghiệp lúa nước Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên,  vừa thuận lợi, vừa có nhiều khó khăn, thách thức; hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên. Để duy trì, phát triển nông nghiệp lúa nước, cư dân các tộc người, vùng miền sớm phải cố kết, tập hợp lại dưới sự lãnh đạo của các nhà nước để trị thủy và thủy lợi, khai hoang đồng ruộng, phát triển sản xuất, đắp đê ngăn lũ, đào sông ngòi tưới tiêu. Công cuộc chinh phục thiên nhiên phát triển nông nghiệp lúa nước đã đặt ra yêu cầu khách quan phải đoàn kết, cố kết nhân dân các vùng miền trong nước, thúc đẩy nhanh quá trình dân tộc Việt Nam.
Do yêu cầu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Việt Nam có vị trí địa - chính trị quan trọng ở Đông Nam Á nên thường xuyên thu hút sự nhòm ngó của kẻ thù, nhất là các đế chế phương Bắc.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Hiếm có quốc gia nào lại phải liên tục chống ngoại xâm nhiều như Việt Nam. Không triều đại nào của Trung Quốc là không xâm lược Việt Nam. Kẻ thù xâm lược thường mạnh hơn ta rất nhiều về tương quan lực lượng nên các cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta rất khốc liệt. Chiến tranh chống giặc ngoại xâm đã đặt ra yêu cầu khách quan là phải đoàn kết, hợp sức các tộc người, các giai tầng trên mọi miền đất nước dưới sự lãnh đạo của chính quyền trung ương để đánh giặc giữ nước. Điều đó đã thúc đẩy mạnh mẽ sự cố kết tộc người, sự gắn bó, thống nhất của các dân tộc Việt Nam.
Do kết cấu thành phần tộc người ở nước ta. Từ thời Hùng Vương dựng nước đến nay, nước ta luôn là quốc gia đa thành phần tộc người. Các tộc người cùng cư trú đan xen, không có lãnh thổ tộc người riêng, sớm có giao lưu về nhiều mặt. Đồng bào cùng chung một vận mệnh, lợi ích trong dựng nước và giữ nước, cùng nhau sáng tạo nên một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng với các giá trị nổi bật là đoàn kết, tương trợ, yêu nước… Tộc người Việt luôn là cư dân đa số, đóng vai trò là hạt nhân đoàn kết và cố kết các tộc người khác. Đặc điểm kết cấu tộc người đó sớm tạo ra sự đoàn kết, tương trợ trong lãnh thổ quốc gia thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ dân tộc.

Các đặc điểm trên cùng liên kết tác động, thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời dân tộc Việt Nam; quy định kết cấu, diện mạo, bản sắc của dân tộc ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét