Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Chiêu trò chống phá núp bóng kiến nghị "phát huy dân chủ"

Nhằm chuyển hóa chế độ xã hội ta sang con đường “dân chủ, nhân quyền” phương Tây, những kẻ tự xưng yêu nước, bất đồng chính kiến nêu ý kiến, “phản biện” và “kiến nghị”: “Đảng Cộng sản Việt Nam phải “thay đổi cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, chuyển hẳn sang đường lối “dân tộc và dân chủ”, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị “từ chế độ toàn trị sang dân chủ…”, mà thực chất là chuyển sang mô hình “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” ngoại nhập. Họ còn nói, chế độ hiện hữu là chế độ “độc tài Đảng trị”. Những người vi phạm pháp luật bị xử lý họ gọi là “dân oan”, là người “bất đồng chính kiến ôn hòa”, thậm chí là người “yêu nước”…
Dân chủ là một hình thức tổ chức và thiết chế dựa trên nguyên tắc: Nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do và một thể chế nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân. Giá trị của dân chủ là ở chỗ, đó là động lực cơ bản của sự phát triển xã hội.
Chính vì vậy trong các hình thái kinh tế xã hội, giai cấp cầm quyền luôn sử dụng dân chủ như một nhân tố nhằm phát huy sức mạnh của cộng đồng, của chế độ xã hội và của dân tộc.
Nền dân chủ của dân tộc ta ra đời trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nền dân chủ đó đã được thử thách, trải nghiệm trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, để lại dấu ấn thời đại. Nền dân chủ đó cũng đã được trải nghiệm trong hai mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội: Mô hình CNXH kiểu cũ, mà đặc trưng là: Vê chính trị, đó là nhà nước chuyên chính vô sản… Về kinh tế, đó là nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu với hai thành phần duy nhất...
Mô hình mới của CNXH đã khắc phục được nhiều hạn chế của mô hình cũ. Đặc trưng của mô hình đó là: Về chính trị, đó là xã hội do nhân dân làm chủ với nhà nước pháp quyền do Đảng ta lãnh đạo. Về kinh tế, đó là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Một trong những nội dung quan trọng của mô hình CNXH kiểu mới đó là quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân. Chỉ thị số 30 CT/TW (ngày 18/2/1998, của Bộ Chính trị) đã đề ra xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở. Phương châm của Quy chế này là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Mặc dù đã đạt được những thành quả to lớn, song sau gần 30 năm đổi mới Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm. Đó là tình trạng phân hóa giàu nghèo, tham nhũng, lợi ích nhóm, “bệnh nhiệm kỳ”…; quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một số lĩnh vực còn bị vi phạm… Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã công khai, thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân quan trọng của tình trạng trên là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống của cán bộ, đảng viên các cấp.
Thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, Quốc hội Khóa XIII đã xây dựng và ban hành Hiến pháp 2013. Nhiều quy định trong dự thảo xây dựng và sửa đổi các đạo luật được các đại biểu lấy việc bảo đảm các quyền con người trong Hiến pháp 2013 làm một tiêu chí. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và triển khai Hiến pháp 2013, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã và đang tập trung nâng cao chức năng “giám sát” và “phản biện”. Đây là một khía cạnh mới, nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể xã hội.
Trong nền dân chủ của chúng ta, vai trò lãnh đạo của Đảng là một nguyên tắc. Tuy nhiên, Đảng ta cho rằng phải có quy định để vừa giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa ngăn ngừa sự lạm quyền của tổ chức và cán bộ, đảng viên. Điều 4, Hiến pháp 2013, quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam… gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân... Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Trên lĩnh vực kinh tế, quyền lợi của người lao động đã thật sự được Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn lắng nghe và đáp ứng. Vừa qua (tháng 6/2015) Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động sau một năm nghỉ việc. Hoặc gần đây, Hội nghị về xác định mức tăng lương tối thiểu giữa Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam -đại diện người lao động với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) người đại diện cho doanh nghiêp đã diễn ra khá gay cấn.
Hai bên đã không đi đến thỏa thuận. Và cuối cùng phải nhờ đến Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra quyết định. Đây là một bước tiến mới trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động theo cơ chế “ba bên” của chế độ ta. 
Theo tinh thần bảo đảm để nhân dân được tham gia vào tất cả các công việc liên quan đến lợi ích của mình, ngày 15/9 vừa qua, Đảng ta đã cho công bố rộng rãi toàn văn Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Thực tế cho thấy không chỉ những vấn đề của Nhà nước mà ngay cả những vấn đề của Đảng cũng đã được công bố rộng rãi để tranh thủ ý kiến của nhân dân.
Như vậy có thể nói, mặc dù nền dân chủ của chúng ta còn không ít vấn đề cần giải quyết, như cần bảo đảm tính cân bằng và sự giám sát có hiệu quả giữa các nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp), nhưng không thể nói: “Chế độ ta là chế độ “độc tài Đảng trị”, càng không thể nói, trong chế độ đó “người dân không có bất cứ một quyền gì”. Lịch sử hơn 70 năm Cách mạng Việt Nam cho thấy: Nền dân chủ của xã hội ta không thể thoát ly các điều kiện của lịch sử và luôn luôn được điều chỉnh, phát triển phù hợp với xu thế chung của thời đại.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét