Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là tất yếu khách quan

Nhà nước pháp quyền là một trong những giá trị xã hội quý báu được tích lũy và phát triển trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền phát triển không ngừng, là thành quả của nhân loại, nó hình thành và phát triển cùng với sự tiến bộ xã hội và cho đến nay đã được thế giới thừa nhận về mặt lý luận như một học thuyết về nhà nước pháp quyền. Hiện nay các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc xác định mục đích, nội dung, phương hướng và biện pháp xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không chỉ được đông đảo người dân ở các nước này, mà còn cả những người dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới đồng tình, ủng hộ.
Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước mà là giá trị phổ biến, là biểu hiện của một trình độ phát triển dân chủ. Xuất phát từ nhu cầu, khát vọng của con người mong muốn có một xã hội tiến bộ, công bằng, không có áp bức, bóc lột mà ở đó pháp luật giữ vị trí thượng tôn trong xã hội mà các nhà hiền nhân trí sĩ đã hướng con người tới việc phải xây dựng cho được Nhà nước pháp quyền là tổ chức chính trị của nhân dân, bảo đảm chủ quyền của nhân dân là nhà nước tôn trọng, thực hiện và bảo vệ được các quyền tự do, dân chủ của công dân chịu trách nhiệm trước công dân về những hoạt động của mình, còn công dân phải thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và chịu trách nhiệm pháp lý về những hành vi vi phạm pháp luật của mình; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước trong mọi tổ chức, hoạt động của nhà nước... Đồng thời, còn xuất phát từ bản chất và tính ưu việt của nhà nước xã hội chủ nghĩa trong việc đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho mọi người dân trên các phương diện khác nhau của đời sống xã hội, mà vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã chủ nghĩa đặt ra như một tất yếu khách quan. Không chỉ có vậy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa luôn chứa đựng những rủi ro bởi sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, cùng với đó những biểu hiện của tệ quan liêu, tham nhũng, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cần có những cơ chế, chính sách, điều luật đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn, tiêu diệt những hiện tượng đó, đảm bảo cho pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực thi đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy được tác dụng của mình.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền mang bản chất của giai cấp công nhân. Đó là nhà nước tổ chức, quản lý, điều hành xã hội trên cơ sở hiến pháp và pháp luật với mục đích đảm bảo quyền lực cho nhân dân. Giá trị xã hội của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là việc tạo ra một hệ thống các quan hệ bảo đảm sự thống trị của pháp luật trong tất cả các lĩnh vực xã hội. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền lực thực sự thuộc về nhân dân lao động, điều này được quy định một cách khách quan từ cơ sở kinh tế và chế độ chính trị của chủ nghĩa xã hội. Khi nhân dân được làm chủ những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội thì đương nhiên mọi công dân đều có quyền lực. Toàn bộ hoạt động của nhà nước từ pháp luật, cơ chế, chính sách đến những nguyên tắc tổ chức đều thể hiện quan điểm của giai cấp công nhân, nhằm từng bước thực hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét