Sau
hơn ba mươi năm đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm phát triển và coi trọng các
thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, bộ phận cấu thành quan trọng của
nền kinh tế quốc dân. Đảng luôn coi trọng sự phát triển của các thành phần kinh
tế trong nền kinh tế quốc dân. Đối với kinh tế tư nhân, ngay từ Nghị quyết 16 của
Bộ Chính trị khóa VI (15-7-1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, Đảng
đã chủ trương tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa
bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đến Nghị quyết Hội nghị Trung
ương 5 khóa IX (tháng 3-2002) Đảng tiếp tục xác định: Kinh tế tư nhân là bộ phận
cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, phát triển kinh tế tư nhân là vấn
đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội
chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm là phát
triển kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước
trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Đến
Đại hội X của Đảng, kinh tế tư nhân
chính thức được xác nhận là một thành phần kinh tế trên cơ sở hợp nhất hai
thành phần kinh tế: cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân và được xác định rõ:
“Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền
kinh tế”. Đại hội đã thông qua một quyết định quan trọng là cho phép đảng
viên được làm kinh tế tư nhân. Nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân tiếp tục
được Đại hội XI phát triển: coi “Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của
nền kinh tế”, cho đến Đại hội XII, quan điểm đó được nâng lên ở một tầm cao
hơn: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh
kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực
quan trọng của nền kinh tế”. Đây là một trong những điểm mới nhất của Văn kiện
Đại hội XII. Điều đó thể hiện sự tiếp tục đổi mới tư duy kinh tế của Đảng để
phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế sau 30 năm đổi mới. Đảng khẳng
định mạnh mẽ, dứt khoát hơn, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của
nền kinh tế. Văn kiện Đại hội XII nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho kinh tế tư
nhân thông qua hàng loạt các biện pháp, trong đó hoàn thiện cơ chế, chính sách
được coi là “chiếc gậy thần” để khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh
kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực
quan trọng của nền kinh tế. Điểm đột phá chính là Nghị quyết Hội nghị trung
ương 5 khóa XII, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nội dung của Nghị quyết
nếu thực hiện hiệu quả, sẽ khuyến khích phát triển lực lượng kinh tế tư nhân,
khơi nguồn cho sự đổi mới, là cơ sở để giải phóng sức sản xuất, sức sáng tạo và
phát huy toàn diện vai trò kinh tế tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị
sản xuất. Đồng thời, tạo sức mạnh và động lực để chúng ta hội nhập sâu hơn,
khai thác các thành phần kinh tế nhiều tiềm năng tốt hơn, là điều kiện để áp dụng
công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần
thứ tư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét