Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiệu
quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương
theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Đơn giản
hoá, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, nhất là về thành lập
doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, cấp phép, thuế, xuất khẩu, nhập khẩu, giải
quyết tranh chấp, tố tụng, xét xử, thi hành án, phá sản,… Tăng cường ứng dụng
công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công để tiết kiệm thời
gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Phát triển các kênh tiếp nhận kiến nghị, phản ánh, thắc mắc, khiếu nại, tố cáo;
đồng thời tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước
với người dân, doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các nhu cầu, nguyện
vọng, vướng mắc liên quan đến kinh tế tư nhân.
Hai là, về tạo
nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tư nhân cần đổi mới căn bản, toàn diện và
nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân
lực chất lượng cao để đáp ứng đủ nhu cầu số lượng và chất lượng nhân lực cho
phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa doanh
nghiệp và cơ sở đào tạo; quy hoạch và phát triển đào tạo theo nhu cầu sử dụng
của doanh nghiệp và thị trường.
Ba là, khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư
vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ
tiên tiến. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu
đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ. Kết nối
doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu
tư. Đồng thời, phát
triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm để góp phần
giảm thiểu rủi ro, tổn thất và ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống của người
dân và doanh nghiệp.
Bốn là, có cơ
chế, chính sách tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tích cực tham gia vào quá
trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận, khai thác các
cơ hội trong hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh đầu tư và thương
mại quốc tế; xóa bỏ các rào cản bất hợp lý đối với kinh tế tư nhân khi tham gia
thương mại, đầu tư quốc tế.
Năm là, tăng
cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải
trình của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp đối với việc chấp hành
chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế
tư nhân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật,
bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động
sản xuất kinh doanh, quyền lợi của người lao động và tạo gánh nặng tâm lý đối với
người dân và doanh nghiệp.
Để kinh tế tư nhân trở thành một động
lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước
ta. Cần quán triệt và thực hiện quan điểm, chủ trương, giải pháp mà Nghị quyết
Trung ương 5 khóa XII đã xác định. Chỉ khi thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ
trương chỉ đạo của Đảng thì mới khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực
hiện phát triển kinh tế tư nhân những năm qua; vừa tạo những đột phá mới về môi
trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển tương xứng với vị trí, vai trò của
kinh tế tư nhân trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đang diễn ra
sâu rộng, mạnh mẽ hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét