Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

GIÁO DỤC ĐẠO LÝ “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”, “ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA” CHO THANH NIÊN HIỆN NAY

Chưa có một dân tộc nào trên thế giới trong lịch sử hình thành và phát triển của mình lại phải trải qua nhiều cuộc trường chinh để giành và giữ vững nền độc lập như dân tộc Việt Nam. Trong những cuộc trường chinh giành và giữ nền độc lập đó đã có bao nhiêu triệu người con đất Việt đã không tiếc máu xương mình xả thân cho Tổ quốc. Những người con ưu tú đó không gì ngoài mục tiêu quyết đem sức mình để giữ vững bờ cõi biên cương, giữ vững nền độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên trong suốt mấy nghìn năm lịch sử bi tráng nhưng rất hào hùng đó dân tộc ta chưa có một lấy một ngày để tôn vinh các anh hùng liệt sỹ. Chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh, thì công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ mới được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể nhân dân Việt Nam ghi nhận vào ngày 27 tháng 7 năm 1947, và từ đây ngày 27 tháng 7 hàng năm chính là ngày để cả dân tộc tri ân đối với họ.
Chính lịch sử hào hùng qua mấy ngàn năm đó của dân tộc Việt Nam nó đã hun đúc lên cho dân tộc Việt Nam nhiều giá trị đạo đức truyền thống quý báu, trong đó có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” thể hiện đạo lý sống chí nghĩa chí tình, là lẽ sống của con người Việt Nam. Câu thành ngữ thuần Việt “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” lấy một hình ảnh thường nhật đúc kết thành một phẩm chất đạo đức mang tính phổ quát của người Việt Nam. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là triết lý, biết ơn được thể hiện tập trung nhất trong tư tưởng về Hiếu nghĩa. Giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”cho thanh niên là một việc làm hết sức cần thiết, thường xuyên và liên tục đặc biệt trong thời đại hiện nay.
Thứ nhất, thường xuyên khơi dậy và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” trong nhận thức và hành động của thanh niên. Qua đó, làm cho thanh niên hiểu rõ truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, thấy rõ được công lao to lớn mà các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Cũng từ đây để mỗi thanh niên Việt Nam nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thấm đậm ý thức đền ơn đáp nghĩa trong trong nhận thức, hành động, quan hệ ứng xử hàng ngày.
Thứ hai, phát huy vai trò tích cực của cá nhân trong ý thức về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những người có công
Mỗi cá nhân cần nhận thấy công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, công ơn khai quốc của các bậc tiền nhân, của Đảng, của cách mạng và những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Bản thân phải luôn nghiêm khắc tự nhắc nhở mình thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” trong cuộc sống hôm nay.
Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thanh niên
Những người làm cha mẹ phải tự làm tấm gương sáng về đạo hiếu nghĩa, phải nhận thấy được trách nhiệm của mình trong giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” cho con cái.
Nhà trường là môi trường sư phạm mẫu mực, để giáo dục thanh niên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” nhà trường cần tăng cường và đa dạng hóa những nội dung, hình thức hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Nhà trường phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ với gia đình để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Các đoàn thể chính trị xã hội, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải là hạt nhân chính trong việc giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” cho đoàn viên, thanh niên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét