Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Tự do hóa thương mại ở Việt Nam

Nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta bắt gặp không ít luận điểm tìm cách xuyên tạc, chống phá thể hiện trên nhiều góc độ, nội dung trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Các thế lực thù địch, một số kẻ cơ hội chính trị, phần tử bất mãn, suy thoái về tư tưởng,... không chỉ công kích đường lối đổi mới kinh tế mà còn dùng sức ép kinh tế đòi thay đổi bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta khi chúng ta tham gia ký kết các hiệp định kinh tế khu vực và liên khu vực. Trên thực tế, thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, gây áp lực kinh tế, chính trị, chúng đòi Việt Nam phải tư nhân hóa nền kinh tế, hạn chế vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, bởi theo chúng, kinh tế nhà nước là ung nhọt, là sân sau của những “nhóm lợi ích” cấp cao, là những tổ mối đục khoét của cải đất nước, để từ đó thúc đẩy khả năng chệch hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường, tự do hóa thương mại, tự do hóa thị trường theo hướng kinh tế thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản.
Vì vậy, việc nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế, nhất là tự do hóa thương mại trong tình hình hiện nay ở nước ta là một nhiệm vụ, hình thức đấu tranh đặc biệt quan trọng. Theo đó, cần hiểu cho chắc tự do hóa thương mại ở Việt Nam là gì:
Tự do hóa thương mại là việc dỡ bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để làm cho luồng hàng hóa và dịch vụ di chuyển từ nước này sang nước khác được thuận lợi hơn. Tự do hóa thương mại trước hết nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu của mỗi nước và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hàng hóa và dịch vụ nước ngoài dễ dàng xâm nhập vào.
Các biện pháp để mở rộng tự do hóa thương mại quốc tế bao gồm việc ký kết các hiệp định song phương và đa phương về thương mại và kinh tế; tham gia vào khu vực mậu dịch tự do và tổ chức thương mại quốc tế; chủ động xây dựng lộ trình cắt giảm thuế quan và phi thuế quan theo các cam kết; điều chỉnh chính sách hỗ trợ xuất nhập khẩu như chính sách đầu tư, tỷ giá hối đoái, tín dụng theo chiều hướng nới lỏng sự can thiệp của nhà nước; hình thành các thể chế thương mại phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Quá trình này gắn liền với các biện pháp có đi có lại trong khuôn khổ pháp lý giữa các quốc gia.
Lợi ích lớn nhất của tự do hóa thương mại là thúc đẩy trao đổi, buôn bán, phát huy lợi thế so sánh của các nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực. Đối với người tiêu dùng (bao gồm cả những nhà nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất ra hàng hóa), tự do hóa thương mại sẽ tạo cho họ cơ hội lựa chọn hàng hóa tốt hơn với giá hợp lý hơn.
Nhận thức được tính khách quan của tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế, ngay từ Đại hội VII (1991), Đảng ta đã đề ra chủ trương: “Đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế với mọi quốc gia”, “Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào nước ta đầu tư, hợp tác kinh doanh”, và “gia nhập các tổ chức và hiệp hội kinh tế quốc tế khác khi cần thiết và có điều kiện”. Đại hội X (2006), chủ trương: Đẩy mạnh tự do hóa thương mại phù hợp các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Tới Đại hội XI (2011), chủ trương này tiếp tục được nâng tầm thành “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, trong đó, Việt Nam không chỉ “là bạn, đối tác tin cậy” mà còn là “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”; hai định hướng lớn là “phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư” và “tăng nhanh xuất khẩu, giảm nhập siêu cả quy mô và tỷ trọng, phấn đấu cân bằng xuất nhập khẩu”.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương tự do hóa thương mại và lồng ghép chủ trương này trong các định hướng về hội nhập quốc tế. Đại hội xác định nhiệm vụ: “Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng, ký kết và thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý, phù hợp với lợi ích của đất nước”. Để việc tự do hóa thương mại đem lại hiệu quả cao nhất, Đại hội cũng thông qua các định hướng như: phát triển mạnh thị trường trong nước, mở rộng và đa dạng hóa thị trường ngoài nước, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp, phấn đấu cân bằng thương mại bền vững; nâng cao chất lượng sản phẩm; tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của các hiệp định, thỏa thuận thương mại để thúc đẩy xuất khẩu.
Tự do hóa thương mại trên cơ sở phải giữ vững độc lập, tự chủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó cốt lõi là bảo đảm an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin, ... mang bản sắc Việt Nam. Tự do hóa thương mại trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét