Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

GIÁ TRỊ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA KHÔNG THỂ BỊ XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN


Với tư cách một cuộc cách mạng triệt để và sâu sắc, Cách mạng Tháng Mười báo hiệu một thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ các dân tộc trên toàn thế giới bước vào cuộc đấu tranh cách mạng sôi động, “cuộc đấu tranh để xóa bỏ chiến tranh, để đoàn kết công nhân tất cả các nước chống lại sự liên minh giữa giai cấp tư sản các nước” giành độc lập, hòa bình, tự do và tiến bộ xã hội. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã đem đến cho giai cấp vô sản và các dân tộc trên toàn thế giới niềm tin vào khả năng tiến hành cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Và, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, giai cấp vô sản và các dân tộc đang đấu tranh vì hòa bình, tự do và độc lập trên toàn thế giới đã có được bài học sâu sắc, sinh động về việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt khoa học và nghệ thuật lựa chọn tình thế cách mạng, phát động phong trào quần chúng nổi dậy dưới khẩu hiệu “công nông binh liên hiệp lại” để giành lấy chính quyền, xây dựng và giữ vững chính quyền cách mạng. Từ bài học quý báu đó, từ kinh nghiệm thực tiễn của Cách mạng Tháng Mười, hàng loạt quốc gia, dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh đang sống dưới chế độ thuộc địa và nửa thuộc địa đã vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và làm tan rã hoàn toàn hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Sau Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết - thành quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Mười, đi theo con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra, hàng loạt nước xã hội chủ nghĩa đã ra đời với tư cách là một hệ thống thế giới.
Do không giữ vững định hướng chính trị, cải tạo quan hệ xã hội và do nhiều nguyên nhân khác nữa, sau 70 năm tồn tại mà Cách mạng Tháng Mười là điểm khởi đầu, giờ đây chủ nghĩa xã hội với tư cách một chế độ xã hội đã không còn tồn tại ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Trước hiện thực lịch sử đó, kẻ thù của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của cách mạng vô sản và chủ nghĩa xã hội đã vội vã lớn tiếng nói về “sự cáo chung” của chủ nghĩa xã hội và từ đó phủ định thắng lợi, ý nghĩa lịch sử toàn cầu của Cách mạng Tháng Mười. Đúng là chủ nghĩa xã hội đang lâm vào khủng khoảng, đang ở giai đoạn thoái trào tạm thời. Song, không thể vì thế mà Cách mạng Tháng Mười không còn mang ý nghĩa lịch sử toàn cầu. Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng vĩ đại bởi nó đã vạch ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Thật là bất công, phi lý và hoàn toàn không đúng khi quy sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là “sự phá sản” của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, là “sự thất bại” của lý tưởng Cách mạng Tháng Mười. Chủ nghĩa xã hội khoa học chỉ có một, Cách mạng Tháng Mười chỉ có một, song con đường đến với chủ nghĩa xã hội khoa học đó, đến với các lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười không phải là một, mô hình thể hiện luận điểm khoa học và lý tưởng đó cũng không phải là một. Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu chỉ là sự sụp đổ của một mô hình trên con đường thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười. Việc lý tưởng xã hội chủ nghĩa, lý tưởng Cách mạng Tháng Mười “bị đẩy lùi” ở đây không có nghĩa là nó bị xóa bỏ. Những thành công đáng khích lệ, sự ổn định và tiếp tục phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhờ công cuộc đổi mới một cách có nguyên tắc, sáng tạo và năng động trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở Trung Quốc, Việt Nam, và gần đây là phong trào cánh tả ở các nước Mỹ La-tinh cho thấy lý tưởng Cách mạng Tháng Mười vẫn tràn đầy sức sống./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét