Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC – MỘT YÊU CẦU CẤP BÁCH HIỆN NAY

Giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học là một hoạt động giáo dục cụ thể, gắn bó hữu cơ với hoạt động giáo dục nói chung. Hoạt động giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua các hoạt động, chương trình giáo dục chính khóa và ngoại khóa, đây là hoạt động có vai trò to lớn đối với sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong đó có việc hình thành ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý trong nhân dân.
 Giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có chủ đích của các chủ thể giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động giáo dục chính khóa và ngoại khóa bằng các phương pháp giáo dục khác nhau nhằm trang bị tri thức pháp luật cơ bản, định hướng, phát triển nhân cách và tư cách công dân, nâng cao nhận thức, góp phần điều chỉnh hành vi, hình thành thói quen tự giác xử sự đúng pháp luật, có ý thức tuân thủ pháp luật và có tri thức pháp luật về chuyên môn nghiệp vụ, ngành nghề lĩnh vực mình được đào tạo.
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy giáo dục và giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học. Các trường đại học phải nhận thức toàn diện, đúng đắn và tích cực hơn về vị trí, vai trò của giáo dục pháp luật cho sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ngành có liên quan cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật về giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định phải giảng dạy môn pháp luật đại cương trong chương trình chính khóa với số lượng là 60 tiết trong tất cả các chương trình đào tạo đại học các ngành và giảng dạy môn pháp luật chuyên ngành phù hợp với từng ngành đào tạo tối thiểu với thời lượng 45 tiết.
Thứ ba, chuẩn hóa nội dung, chương trình, giáo trình giảng dạy pháp luật chính khóa. Nội dung, chương trình giáo dục pháp luật chính khóa trong các trường đại học phải đảm bảo phục vụ mục tiêu giáo dục đại học, thể hiện được tính liên tục, hệ thống và có kế thừa, đảm bảo tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa giáo dục pháp luật với giáo dục chuyên môn nghề nghiệp. 
Thứ tư, đổi mới phương pháp dạy và học pháp luật trong chương trình chính khóa. Việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng giảm số giờ giảng lý thuyết, tăng cường số giờ thảo luận và tự học của sinh viên, các trường đại học cần thay đổi cách thức đào tạo một cách cơ bản, đào tạo theo hình thức tín chỉ. Các lớp học cần được tổ chức lại khoảng từ 40 sinh viên trở xuống.
Thứ năm, xây dựng chương trình giáo dục pháp luật ngoại khóa và đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa. Giáo dục pháp luật ngoại khóa có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giảng dạy chính khóa, kịp thời cập nhật thông tin và tác động trực tiếp đến tình cảm, thái độ của sinh viên. Chương trình giáo dục pháp luật ngoại khóa cần đa dạng hóa các hình thức như tổ chức các báo cáo chuyên đề, thi tìm hiểu về pháp luật, lồng ghép pháp luật vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các hoạt động sinh viên tình nguyện tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Thứ sáu, nâng cao chất lượng giảng viên giảng dạy pháp luật trong các trường đại học không chuyên luật. Giảng viên giảng dạy pháp luật cần phải được đào tạo tốt cả về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy; đảm bảo tài liệu, trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ cho công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học. 

Thứ bảy, tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học. Giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học là công việc chủ yếu của các trường đại học, đặc biệt là của các giảng viên, đồng thời là trách nhiệm của ngành giáo dục và các ngành có liên quan. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các ngành các cấp phải tổ chức hỗ trợ, ủng hộ và tạo điều kiện cho công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét