Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2017

Giải pháp đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa” của các thế lực thù địch hiện nay

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Đây là giải pháp quan trọng nhất để giành thắng lợi trong “trận chiến văn hóa” mà các thế lực thù địch tiến hành ở Việt Nam. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng bảo đảm để văn hóa phát triển đúng định hướng chính trị của Đảng, bảo đảm quyền tự do, dân chủ, phát huy khả năng sáng tạo ra những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, trên cơ sở phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân với mục đích đúng đắn; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, làm hạn chế sự sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa.
Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Một trong những vấn đề nền tảng trong cuộc chiến chống “xâm lăng văn hóa” là chúng ta cần tạo ra sức đề kháng, đó chính là môi trường văn hóa lành mạnh ở ngay mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị và mỗi gia đình. Đây cũng là phương châm kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là nhân tố quyết định, “chống” là quan trọng. Quán triệt tinh thần đó, các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các địa phương cần cụ thể hóa đường lối văn hóa của Đảng, tiến hành đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tiễn để hướng dẫn, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia có hiệu quả vào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên phạm vi cả nước.
Thứ ba, tăng cường giáo dục, bồi đắp giá trị văn hóa giữ nước, nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm cho mọi công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong thực hiện, các cấp, các ngành cần quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”. Trên cơ sở đó, cần phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân; trong đó, cơ quan chủ trì công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng ở các cấp là nòng cốt; các lĩnh vực báo chí, truyền thông, văn học, nghệ thuật,… là lực lượng tiên phong; mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và tổ chức trong xã hội là nền tảng, bảo đảm những giá trị văn hóa nói chung, văn hóa giữ nước nói riêng được giáo dục, tuyên truyền ngay từ mỗi gia đình, dòng tộc, đến nhà trường và xã hội.
Thứ tư, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, để đặt ách đô hộ đối với Việt Nam, các thế lực xâm lược luôn tìm mọi cách để đồng hóa dân tộc ta, trước hết về văn hóa. Song, lịch sử cũng chứng minh rằng, không có một thế lực nào thực hiện được dã tâm đó, bởi nền văn hóa đặc sắc đã được hình thành, thử thách, tôi luyện trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước đã trở thành cốt cách, nền tảng của dân tộc ta. Để văn hóa thực sự là công cụ bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa, chống lại sự “xâm lăng văn hóa” của kẻ thù, chúng ta phải quán triệt, thực hiện tốt quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Giải quyết hài hòa mối quan hệ, lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung và tôn trọng những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc không trái với lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong một thế giới đầy biến động ngày nay, nhiều tổ chức, nhà đầu tư, du khách quốc tế tìm đến Việt Nam vì sự ổn định về chính trị và cũng vì một Việt Nam lôi cuốn, hấp dẫn bởi nét văn hóa đặc sắc, độc đáo đó. Song, các thế lực thù địch không muốn Việt Nam phát triển theo đường lối độc lập, tự chủ. Cái họ muốn là đất nước Việt Nam từ bỏ quá khứ, từ bỏ bản sắc của mình để “hòa nhập”, “phát triển” theo ý đồ của họ, mà thực chất là “hòa tan” vào văn hóa phương Tây. Điều đó lý giải vì sao chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ngày càng đẩy mạnh “xâm lăng văn hóa” đối với Việt Nam. Vì vậy, nhận diện đúng và kiên quyết đấu tranh chống “xâm lăng văn hóa” không chỉ là một yêu cầu quan trọng, cấp bách trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa hiện nay mà còn góp phần thiết thực đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực làm tha hóa con người Việt Nam. Đó chính là yếu tố bảo đảm cho Việt Nam trường tồn và phát triển.
Nguồn: http://tapchiqptd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét