Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

PHÁT HUY VAI TRÒ NẾU GƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU

Trong thời gian vừa qua dư luận xã hội bức xúc trước những vấn đề liên quan đến trách nhiệm và sự gương mẫu của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay thành công đến đâu cũng phụ thuộc trước hết vào sự nêu gương của người đứng đầu. Đúng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu thực trạng trong công tác xây dựng Đảng: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”.
Nhận định trên đây là hoàn toàn có cơ sở. Một thực trạng đã tồn tại từ nhiều năm qua là có những người đứng đầu không phát huy trách nhiệm cá nhân trước tập thể, chưa thực sự là đầu tàu gương mẫu về phẩm chất, lối sống, tác phong công tác và tác phong sinh hoạt, không thể hiện rõ về năng lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Có những người đứng đầu buông lỏng vai trò, không làm tròn chức trách, công việc “khoán trắng” cho cấp phó hoặc cấp dưới thuộc quyền, “khoán trắng” cho bộ máy chuyên môn, từ đó sinh ra quan liêu, xa rời thực tế. Nhiều trường hợp, người đứng đầu xem nhẹ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, duy trì không nghiêm việc thực hiện Điều lệ Đảng, chế độ sinh hoạt Đảng, xem nhẹ đấu tranh phê bình và tự phê bình, thậm chí độc đoán, chuyên quyền, lạm dụng quyền lực để vụ lợi, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật...
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng một bộ phận người đứng đầu chưa phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, dẫn tới suy thoái, như Nghị quyết Trung ương 4 khẳng định là do “bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. Bên cạnh đó, “cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở”. Chậm ban hành quy định xử lý tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
 Trong tình hình hiện nay, việc nêu gương của người đứng đầu đòi hỏi phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... Để người đứng đầu xứng đáng là “thủ lĩnh”, là tấm gương sáng, là ngọn cờ tiên phong của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần phải bảo đảm các tiêu chí và cơ chế như sau:
- Người đứng đầu phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt và quyết tâm cao độ khi tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phải xác định rõ trách nhiệm và quyết tâm chính trị trên cương vị được giao.
- Người đứng đầu tiêu biểu về phẩm chất, trí tuệ, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, thậm chí một mất một còn, để bảo vệ Đảng và đưa phong trào cách mạng đi lên.
- Để người đứng đầu hoàn thành trách nhiệm chính trị và xứng đáng là ngọn cờ tiên phong, gương mẫu phải thường xuyên quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện và quản lý toàn diện đội ngũ những người đứng đầu.
- Cần phải quy định rõ nếu để xảy ra bất cứ việc gì thuộc bất cứ lĩnh vực nào thì khuyết điểm trước hết là ở người đứng đầu và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
- Cần có chế tài xử lý mạnh mẽ, kịp thời, liên quan đến trách nhiệm và các vi phạm của người đứng đầu, bất kỳ người đó là ai, giữ cương vị nào; khắc phục tình trạng xử lý “nhẹ trên, nặng dưới”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét