Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

NHẬN DIỆN BỆNH QUAN LIÊU, XA RỜI QUẦN CHÚNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm, giải quyết mối quan hệ cốt lõi và mật thiết giữa dân với Đảng. Chính quá trình đó cũng đã xây dựng nên quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân; trong đó, cán bộ, đảng viên của Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Cũng vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của người cán bộ, đảng viên là phải giữ mối liên hệ mật thiết, thường xuyên với nhân dân. Chỉ có như vậy, cán bộ, đảng viên mới học hỏi được nhân dân, được nhân dân yêu quý, đùm bọc, giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình, đảm bảo cho Đảng ta thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ngược lại, nếu quan liêu, xa rời quần chúng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, làm cho cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, không xứng đáng với vai trò lãnh đạo và càng không làm tròn “sứ mệnh” là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi giải quyết mối quan hệ này ở không ít cán bộ, đảng viên, nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền còn có biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng - một căn bệnh hết sức nguy hiểm trong nội bộ Đảng.
Biểu hiện của “căn bệnh” này được thể hiện ở cả suy nghĩ, thái độ, hành vi và việc làm cụ thể ở một số cán bộ, đảng viên. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đánh giá: thời gian qua, có những cán bộ thiếu kiểm tra, đôn đốc, không sâu sát, nắm chắc tình hình cơ sở, vì thế mắc vào “bệnh” xa quần chúng, bàn giấy,… dẫn đến lý luận suông, xây dựng kế hoạch thực hiện không sát với thực tế. Đó còn là biểu hiện ở cách làm việc quan cách, cửa quyền, hách dịch, thiếu dân chủ, theo kiểu đóng cửa làm kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo, hoặc chỉ biết mệnh lệnh hành chính, không làm cho dân hiểu, dân theo, gây bức xúc, giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, v.v. Điều này diễn ra khá phổ biến ở cách làm việc của cán bộ khi giải quyết các vấn đề về đất đai, đền bù giải tỏa,… dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Đó còn là thái độ thờ ơ, vô cảm, tắc trách, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của nhân dân; thấy những việc có hại đến nhân dân vẫn làm ngơ, không giải quyết, hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Thậm chí, những ý kiến đúng, nêu rõ vấn đề thì họ dìm đi, làm cho dân chúng nghi ngờ, thậm chí bất mãn, không ủng hộ,… dẫn đến thất bại.
Căn bệnh nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ vị trí, vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân; chưa nhận thức và giải quyết thấu đáo quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng. Tuy nhiên, cũng có một số cán bộ, đảng viên, tuy nhận thức đúng vấn đề, thấy rõ những nguy hại của căn bệnh đó, nhưng do thiếu bản lĩnh và sự rèn luyện thường xuyên, sa vào chủ nghĩa cá nhân, dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát quyền lực ở các cấp còn thiếu chặt chẽ, làm nảy sinh nạn chạy chức, chạy quyền, tham ô, lợi ích nhóm, thậm chí tự cho phép mình cái quyền “làm quan cách mạng”, đứng trên nhân dân,… cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh quan liêu, xa rời quần chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét