Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã trích
dẫn lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, rằng: “Tất cả
mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm
phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu
hạnh phúc”. Đồng thời, Người nhắc lại lời Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của
cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và
phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Song, cần thấy rằng, trong
Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã mở rộng và phát triển quyền của con người
thành quyền tự do, độc lập của dân tộc. Cho nên, không thể xuyên tạc: Tuyên
ngôn Độc lập là sự “sao chép”, “khuôn theo”!
Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ tiêu biểu cho nguyện
vọng của các dân tộc thuộc địa ở Bắc Mỹ đấu tranh giành độc lập cho nhân dân Mỹ
từ thuộc địa Anh. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải
phóng dân tộc trên thế giới. Còn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước
Pháp ghi rõ quyền tự do, dân chủ của mọi công dân trước pháp luật; có ảnh hưởng
lớn đến phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc chống chế độ phong kiến.
Cả hai bản Tuyên ngôn này, đều ghi dấu ấn tích cực và tiến bộ trong sự phát triển
tư tưởng chính trị, nhân văn của nhân loại. Điều đáng tiếc là, sau khi giai cấp
tư sản ở Mỹ và Pháp giành được quyền thống trị, họ đã đi ngược lại những giá trị
văn hóa, nhân văn đó khi tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam và nhiều dân tộc
khác.
Việc Hồ Chí Minh dẫn lời Tuyên ngôn của nước Mỹ và
nước Pháp thể hiện bản lĩnh văn hóa tuyệt vời của vị lãnh tụ cách mạng. Bởi,
sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp trở thành kẻ thù chủ yếu của
cách mạng Việt Nam, còn các lực lượng can thiệp Mỹ đứng sau, giật dây quân Tưởng
chống phá cách mạng nhằm thực hiện âm mưu thay thế quân Pháp thống trị các nước
Đông Dương. Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp và tiếp đó là đế quốc Mỹ. Nhưng
chúng ta không chống lại người Pháp, người Mỹ, cũng như nền văn hóa Pháp, văn
hóa Mỹ. Ngược lại, chúng ta trân trọng và tiếp thu những giá trị văn hóa, chính
trị mà nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ tạo ra trong lịch sử đấu tranh cho sự tiến
bộ của nhân dân và dân tộc họ. Mặt khác, từ việc dẫn Tuyên ngôn của Mỹ, Hồ Chí
Minh muốn cho nhân dân thế giới thấy rằng, nhân dân Việt Nam đấu tranh chống
xâm lược để giành độc lập, tự do cho dân tộc mình là quyền chính đáng, thiêng
liêng, không ai có thể xâm phạm. Việc dẫn Tuyên ngôn của nước Pháp, Hồ Chí Minh
cũng muốn để nhân dân thế giới hiểu rõ rằng, nước Pháp đã từng giương cao ngọn
cờ đấu tranh chống chế độ phong kiến để thực hiện dân chủ và tiến bộ.
Quyền tự do và bình đẳng là lý tưởng nhân văn của
nhân loại từ khi xã hội có giai cấp và tình trạng áp bức, bóc lột. Đấu tranh
cho tự do và bình đẳng của con người và mọi người là mục tiêu nhân văn của nhân
loại tiến bộ. Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ
Chí Minh đã phát triển, mở rộng quyền của “tất cả mọi người” thành quyền của “tất
cả các dân tộc trên thế giới”. Đó chính là lý tưởng nhân văn triệt để cách mạng
của Người. Theo Bác, độc lập, tự do là điều kiện tiên quyết đem lại hạnh phúc,
tiến bộ cho nhân dân và dân tộc Việt Nam, cũng như cho nhân dân và các dân tộc
trên thế giới. Độc lập dân tộc là cái quý nhất, nhưng cốt lõi của độc lập dân tộc
phải chính là quyền lợi của nhân dân, mọi người dân phải được hưởng ấm no, hạnh
phúc. Có độc lập dân tộc thì quyền của con người mới có điều kiện được đảm bảo
rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất. Những kẻ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để
phá hoại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đi ngược lại lợi ích của dân tộc
chính là đối tượng chúng ta phải đấu tranh để bảo vệ giá trị của Tuyên ngôn Độc
lập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét