Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN VỮNG MẠNH - QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA ĐẢNG TRONG CHIẾN LƯỢC QUỐC PHÒNG

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chỉ rõ: phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại vì mục đích hòa bình, tự vệ; thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ngay trong thời bình, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước chuyển sang thời chiến. Quán triệt quan điểm đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt là trong Chiến lược Quốc phòng Việt Nam thời kỳ mới đã khẳng định, phải tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, ổn định, lâu dài, đảm bảo sẵn sàng chuyển các hoạt động từ thời bình sang thời chiến để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây vừa là quan điểm, vừa là mục tiêu xuyên suốt thể hiện tầm tư duy, sự sáng tạo của Đảng ta đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, đó cũng là sự cụ thể hóa đúng đắn, đầy đủ quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân thành các chủ trương, nhiệm vụ quốc phòng, nhằm đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống.
Nét mới của quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong Chiến lược Quốc phòng còn được thể hiện, lần đầu tiên Đảng ta chỉ rõ phương thức xây dựng nền quốc phòng toàn dân, cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận trong điều kiện mới. Đó không chỉ là nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại, mang tính chất hòa bình, tự vệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước,… mà còn phải đảm bảo sự thống nhất cả về tổng thể và chiều sâu, theo hướng vững chắc trên địa bàn cả nước, mạnh ở từng trọng điểm; được xây dựng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các loại hình tổ chức kinh tế - xã hội và từng vùng, miền, nhằm không ngừng tăng cường nguồn lực xã hội cho quốc phòng, v.v. Có thể nói, đây là sự phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng ta trên lĩnh vực quốc phòng; vừa bám sát, kế thừa thực tiễn công cuộc bảo vệ Tổ quốc thời gian qua, vừa mang tính khoa học, tính khả thi cao để chỉ đạo hoạt động thực tiễn trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng có thể có những biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư phát triển mạnh mẽ sẽ tác động sâu sắc tới quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới. Đối với nước ta, cùng với thời cơ, thuận lợi, sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước cũng xuất hiện những vấn đề mới về quốc phòng, an ninh, như: không gian chiến lược, đối tượng, đối tác, hình thái chiến tranh đã có nhiều thay đổi, v.v. Trong khi đó, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với nhiều thủ đoạn ngày càng quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt, v.v. Vì vậy, tăng cường quốc phòng, an ninh nói chung, xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo quan điểm của Chiến lược Quốc phòng nói riêng là vấn đề quan trọng, cấp thiết, cần được quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn.
Theo: tapchiqptd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét