Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

GIẢI PHÁP CƠ BẢN XÂY DỰNG NỀN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN VỮNG MẠNH

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây là giải pháp cơ bản, xuyên suốt, tiền đề quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược quan trọng này. Để làm được điều đó, các cấp, ngành, lực lượng, tổ chức kinh tế - xã hội,... từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về quân sự, quốc phòng; trên cơ sở đó, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân của từng ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, cần tập trung xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, nhưng có trọng tâm, trọng điểm và luôn xác định đó là nhân tố quyết định, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước hết, phải coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần vững chắc, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Theo đó, cần tập trung xây dựng Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm cơ sở, nền tảng để xây dựng các tiềm lực khác. Từ đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, vùng nông thôn; thu hẹp chênh lệch đời sống giữa các tầng lớp nhân dân, vùng, miền…
Về xây dựng tiềm lực kinh tế cần chú trọng phát triển nền kinh tế đất nước cả về bề rộng và chiều sâu, nhất là phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, lưỡng dụng, có hàm lượng công nghệ cao,… nhằm tăng khả năng tích lũy, dự trữ cơ sở vật chất để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững và phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh việc quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp chế tạo, chế biến, các vùng chăn nuôi và trồng cây chuyên canh,… cũng như phát huy tiềm năng thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, sẵn sàng, đủ sức chuyển nền kinh tế quốc dân sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu khi có chiến tranh xảy ra.
Để xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ của nền quốc phòng toàn dân, cần chú trọng nghiên cứu, phát triển toàn diện cả về khoa học quân sự, khoa học - công nghệ quân sự,… khoa học xã hội và nhân văn quân sự, tạo nền tảng cho nền khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng. Quá trình thực hiện, cần đẩy mạnh xây dựng các cơ sở nghiên cứu cùng đội ngũ các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng hoặc liên quan đến hoạt động quốc phòng, nhất là lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia đầu ngành trên từng lĩnh vực.
Xây dựng tiềm lực quân sự - nhân tố cốt lõi của tiềm lực quốc phòng, cần bảo đảm tính toàn diện, vững chắc, có chiều sâu ngay từ thời bình; nhanh chóng, kịp thời chuyển hóa thành thực lực quốc phòng trong mọi tình huống. Theo đó, phải tập trung làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng với xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, cần coi trọng công tác xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt thực hiện công tác quốc phòng, quân sự tại cơ sở.
Cùng với xây dựng tiềm lực quốc phòng toàn dân vững mạnh, cần kết hợp chặt chẽ với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp cao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi điều kiện. Để thực hiện, cần tiếp tục quy hoạch các vùng dân cư một cách hợp lý trong thế trận quốc phòng trên từng hướng, khu vực và địa bàn cả nước. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo,… tạo nên thế trận quốc phòng vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh và vận hành hiệu quả cơ chế lãnh đạo, điều hành theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008, về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới và Nghị định số 02/2016/NĐ-CP ngày 05-01-2016 của Chính phủ về khu vực phòng thủ; bảo đảm chủ động, tự cường trong xử lý có hiệu quả các tình huống quốc phòng ngay từ thời bình và khi có chiến tranh xảy ra. Cùng với đó, cần kịp thời bố trí các đơn vị bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương bảo đảm hợp lý trên từng hướng chiến lược theo tình hình cụ thể; kết hợp chặt chẽ với xây dựng hệ thống phòng thủ tạo thành thế hiểm hóc, phát huy tốt nhất khả năng của từng đơn vị. Xây dựng hậu phương chiến lược, căn cứ hậu phương chiến lược, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, công trình cất dấu vũ khí, trang bị,... trên từng hướng chiến lược; bảo đảm tốt cho mọi hoạt động, kể cả khi hoạt động độc lập trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc cả thời bình và thời chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét