Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

TƯ TƯỞNG CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ

Trong suốt cuộc đời hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ và coi công tác cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”,“Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Để xây dựng được một đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Người đưa ra một hệ thống luận điểm về cán bộ và công tác cán bộ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Đó là căn cứ, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ, theo Người, chính là đạo đức cách mạng. Lấy “Đạo đức là gốc”, người cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, mới có thể trở thành người cán bộ chân chính, “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” Chỉ khi có phẩm chất đạo đức tốt thì mỗi người cán bộ biết phân biệt giữa “thiện” và “ác”, “chính” và “tà”. Thấm nhuần đạo đức cách mạng, cán bộ có văn hóa ứng xử chuẩn: Với mình, với người và với công việc.
Cùng với việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, Người còn yêu cầu cán bộ phải có năng lực (tài); chỉ có những cán bộ có đức, có tài mới có đủ năng lực đảm đương công việc dù công việc khó khăn, vất vả đến đâu, trong hoàn cảnh khó khăn thế nào cũng có thể hoàn thành. Năng lực của cán bộ được thể hiện ở trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc, làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn.
Theo Người, công tác lựa chọn cán bộ, đây là khâu đầu tiên và rất quan trọng đối với Đảng ta. Người dạy: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Việc lựa chọn cán bộ phải phải dựa theo các tiêu chí: “a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh. b) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn... Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn. d) Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”.
Hồ Chí Minh luôn xác định, công tác xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng, quy hoạch cán bộ rất quan trọng, nhân tố quyết định công tác lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Theo Người đánh giá cán bộ là việc rất hệ trọng, cho nên tổ chức đảng, chính quyền và lãnh đạo cấp trên, phải có cái nhìn toàn diện, bao quát, tổng thể về quá trình rèn luyện, phấn đấu của từng cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một cách đánh giá đơn giản nhưng rất chính xác: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, … hay công kích người khác, hay tự nâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải là cán bộ tốt. Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó… dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”.
Có thể nói, những luận điểm cơ bản trên trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ được đề cập rất bao quát, toàn diện, kết hợp giữa xây và chống; có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét