Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

NHẬN DIỆN NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI VÀ HỆ LỤY CỦA DI DÂN TỰ DO TRÊN ĐỊA BÀN TÂY BẮC NƯỚC TA HIỆN NAY

1. Hình thành các tụ điểm dân di cư mới, cả trong và ngoài sự quản lý, kiểm soát của hệ thống chính trị ở cơ sở
Di dân dù dưới hình thái nào, theo chủ trương, kế hoạch di dân của Nhà nước, chính quyền địa phương hay di dân tự do, bao giờ cũng phải hình thành, thiết lập nơi cư trú mới ở nơi đến, dù ổn định hay tạm thời. Do đó, việc hình thành các tụ điểm dân di cư mới là một tất yếu.
Di dân tự do sự hình thành các tụ điểm dân cư mới vừa có thể nằm trong sự kiểm soát, vừa có thể nằm ngoài sự kiểm soát của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành địa phương của các tỉnh Tây Bắc. Sự hình thành các tụ điểm dân di cư tự do chủ yếu là lấn chiếm đất công, bất hợp pháp, bất quy tắc hay cư trú ở các khu tạm bợ. Các tụ điểm dân di cư mới của những hộ/người di cư tự do chưa có hoặc không có sự quản lý của cấp ủy chính quyền các địa phương là nơi rất dễ nảy sinh tiêu cực xã hội, nơi tập trung của các tệ nạn xã hội; tranh chấp đất đai với dân chính cư. Từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý tình hình dân cư và các hoạt động nắm bắt tình hình trật tự, trị an, an toàn xã hội của địa phương, ảnh hưởng đến sự củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tác động tiêu cực đến hoạt động xây dựng quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Bắc.
2. Sự xáo trộn về dân cư, nảy sinh những vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội mới
Di dân, dù dưới hình thái nào cũng đều tạo nên sự xáo trộn nhất định giữa dân di cư đến và dân sở tại: tăng/giảm số dân của nơi đi và nơi đến; tăng/giảm của cung và cầu lao động, việc làm; chính sách xã hội, an sinh xã hội của địa phương bị ảnh hưởng… Đây chính là sự đa dạng và phức tạp đan xen do di dân tạo nên.
Di dân tự do là nguyên nhân chính gây thiếu đất sản xuất, phá rừng lấy đất trồng trọt, quá tải cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm, dẫn đến mâu thuẫn về lợi ích, văn hóa, xã hội giữa các cộng đồng dân cư mới đến và các cộng đồng dân cư sở tại và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, chính trị trong các dân tộc thiểu số ở nơi sở tại. Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của chính quyền các cấp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thực hiện các chính sách y tế, giáo dục, văn hoá, xã hội. Tranh chấp đất đai cũng ảnh hưởng đến việc cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất ở cấp xã.
Di dân tự do tác động đến cuộc sống, văn hóa và phong tục truyền thống của cộng đồng một hoặc một số tộc người của cả nơi sở tại và của cả cộng đồng người di cư đến. Một đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu cho biết: “Một bộ phận đồng bào di cư tự do đã tuyên truyền đạo trái pháp luật làm phá vỡ truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc như bỏ nhạc cụ dân tộc, bỏ bàn thờ tổ tiên, đồ trang sức dân tộc,…ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự an toàn, văn hoá xã hội, sản xuất và đời sống của đồng bào sở tại”.
3. Các địa bàn có di dân tự dễ bị lợi dụng gây mất ổn định chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
Trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, cùng với những vấn đề di dân tái định cư, di dân tự do trên địa bàn Tây Bắc có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Các dòng di dân tự do thường tập trung ở các bộ phận là đồng bào tộc người thiểu số, điển hình là đồng bào tộc người H’mông. Họ di cư tự do với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nổi bật là kinh tế khó khăn, tập quán du canh, du cư và bị lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lôi kéo và bị kích động di cư. 
Các tụ điểm dân di cư tự do tại Tây Bắc thường ở những vùng sâu, vùng xa như: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai. Sự có mặt của người dân di cư tự do ở những vùng này khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia. Công tác quản lý, xây dựng thì những tụ điểm dân cư mới cần được quan tâm tạo địa bàn, thế trận quốc phòng toàn dân. Tuy nhiên sự hình thành các tụ điểm dân cư do di cư tự do có nhiều hệ lụy xã hội gây khó khăn việc quản lý dân cư và xây dựng quốc phòng, an ninh.
Như vậy, có thể thấy việc nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề xã hội và hệ lụy xã hội của di cư tự do trên địa bàn Tây Bắc góp phần xây dựng chính sách quản lý dân cư nói chung và quản lý di dân tự do nói riêng ở khu vực này là một trong những vấn đề quan trọng, cấp thiết. Việc đảm bảo và ổn định dân cư góp phần vào phát triển bền vững trên vùng Tây Bắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét