Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN


       Qua 15 năm thực hiện, Nghị quyết số 14-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN”, đã góp phần quan trọng thúc đẩy KTTN phát triển nhanh và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, đồng thời góp phần hình thành, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
       Một là, nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ. Phương thức quản lý của Nhà nước đối với KTTN được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường.
       Hai là, KTTN đã phát triển trên nhiều phương diện; hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn KTTN có qui mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong những năm qua, vai trò, vị trí của KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn và đánh giá đúng hơn. KTTN ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh. “KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39 - 40% GDP thu hút khoảng 85% lao động trong nền kinh tế”; “tỷ trọng nguồn vốn của các doanh nghiệp tư nhân trong cơ cấu tổng lượng vốn đầu tư xã hội tăng qua các năm: năm 2002 chiếm 25,3%, năm 2010 chiếm 36,1%, năm 2015 chiếm 38,7%”.
       Ba là, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên.
       Bốn là, mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng trong khu vực KTTN được cấp ủy đảng quan tâm đổi mới, hoàn thiện; đảng viên được làm kinh té tư nhân và chủ doanh nghiệp của tư nhân được thí điểm kết nạp vào đảng.
       Năm là, hoạt động giám sát, phản biện chính sách, vai trò tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động và người sử dụng lao động của của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp được quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét